[/i]Đây là lí do bán hàng online trên Facebook cũng phải nộp thuế
Nhiều bạn cho rằng: Mình không trưng bảng hiệu, lại chẳng có mặt bằng buôn bán, lấy kho hàng làm nhà. Vậy tại sao mình lại bị thu thuế khi bán hàng online?
Để giải đáp điều này, Tổng Cục Thuế chia sẻ với báo Tuổi Trẻ : Mục đích quản lý thuế đối với kinh doanh qua mạng, trong đó có Facebook chỉ nhằm đảm bảo người kinh doanh nhận thức rõ được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình chứ không phải vì tăng thu.
Hơn nữa, Theo Luật quản lý thuế, bất kì ai là công dân Việt Nam hay sinh sống tại Việt Nam, đã kinh doanh là phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Như vậy, các chủ cửa hàng online trên Facebook cũng đã được tính là tham gia kinh doanh và vì thế, họ phải đóng thuế.
Trong thông báo của Tổng Cục Thuế, công dân Việt Nam (cư trú tại Việt Nam) có hoạt động kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế. Và nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng / năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách Nhà nước.
Kiểm soát doanh thu của cửa hàng online: Bài toán chưa có lời giải
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng đặt câu hỏi tương tự với VNExpress: 'Có đối tượng khách hàng đến nhà, hoặc cửa hàng mua trực tiếp hay đặt hàng qua điện thoại thì làm sao cơ quan thuế kiểm soát hết được?'.
Thật vậy, trang Vietnamnet đưa tin: Khi động viên các chủ cửa hàng online tiến hành kê khai nộp thuế thì tất cả đều tìm cách chứng minh rằng doanh thu của họ không quá 100 triệu / năm để né thuế.
Hơn nữa, bản thân người dùng thích nhận hàng rồi mới trả tiền mặt. Hình thức thanh toán qua mạng giúp cơ quan thuế dễ kiểm soát nhưng lại chẳng mấy ai dùng.
Điều này đã được ông Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) trao đổi với Dân Trí: Tại Việt Nam, giao dịch chủ yếu thông qua hình thức thanh toán tiền mặt. Từ đó việc xác định thuế qua hình thức buôn bán online là không dễ.
Chính việc các chủ cửa hàng không dùng phần mềm để quản lí bán hàng, cũng như giá bán của các sản phẩm đôi khi phải nhắn tin mới biết được. Kết hợp với hình thức thanh toán truyền thống đã gây khó khăn trong việc xác minh doanh thu chính xác.
Hiện tại, theo VNExpress, việc thu thuế vẫn chủ yếu là người bán tự khai, tự tính doanh thu và tự nộp. Điều dễ gây bất bình đẳng trong chính sách thuế. Đây vẫn là bài toán cần cơ quan thuế giải đáp trong thời gian sắp tới.
Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Mức thuế ở Việt Nam vẫn hợp lí
Nếu nhìn sang các quốc gia khác. Như trang VTV đưa tin, Tại Mỹ, các cửa hàng buôn bán trên Facebook sẽ phải đóng thuế qua cổng thanh toán online Paypal. Những ai mua hàng online trên Facebook cũng phải đóng thuế 6,25%.
Quốc gia gần chúng ta nhất - Singapore, đã lựa chọn đánh thuế đối với người mua hàng thay vì đánh thuế người cung cấp hay người bán. Và mức thuế lên tới 7%.
Nếu như chúng ta tự nguyện nộp thuế dựa theo đúng như doanh thu của mình thì mức thuế ở Việt Nam rất thấp so với Singapore. Cụ thể, theo Vietnamnet, nếu doanh thu trên 500 triệu đồng / năm chỉ phải nộp 1 triệu đồng. Tức tiền thuế chỉ chiếm khoảng 0,2% doanh thu. Nếu có cộng các khoản khác, lên 1% cũng là mức hợp lí.
Kết
Việc nộp thuế khi kinh doanh, dù là dưới hình thức nào, đều là điều mà chúng ta nên làm. Nếu mức thuế hợp lí, mình nghĩ rằng người bán hàng online sẽ tự nguyện nộp thuế. Nhưng việc quản lí như thế nào để tạo sự công bằng cho tất cả người bán, e rằng phải cần một thời gian khá lâu để giải quyết triệt để được điều này.
Bạn có kinh doanh online hay không? Theo bạn, việc thu thuế với những ai buôn bán qua mạng là điều hợp lí hay chưa? Mời bạn chia sẻ ý kiến trong phần bình luận nhé.
---
Trong bài sử dụng hình ảnh của: Thanh Niên, Tuổi Trẻ, MyMarketing, Citykey.