Bạn biết đến Kpop chứ? Câu trả lời phần lớn chắc hẳn sẽ là có, và thực sự nền văn hóa Kpop đã ảnh hưởng rất nhiều quốc gia tại Châu Á, và đặc biệt là tại Việt Nam. Có thể nói ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc được xếp vào hàng mạnh mẽ bậc top trên thế giới, với mức độ phủ sóng “không phải dạng vừa “. Có thể nói để có được thành công lớn như ngày hôm nay, không thể nhắc tới những chiêu trò Marketing trong nền âm nhạc Kpop. Hãy cùng xem điều gì làm nên sự khác biệt trong chiến lược đưa nền văn hóa Hàn Quốc phát triển cực thịnh như hiện nay.
Ngành công nghiệp tỷ đô K-pop
Lịch sử Kpop bắt đầu cách đây không lâu. Dòng nhạc này trở nên phổ biến ở Hàn Quốc do sự ảnh hưởng của nhạc pop ở phương Tây. Điều này không có nghĩa là văn hóa phương Tây vượt xa văn hóa Hàn, nhưng đó chính là nguyên nhân cho sự ra đời của nhiều kênh âm nhạc nổi tiếng, ví dụ như MTV. Đồng thời nó cũng là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ Hàn Quốc và các tín đồ âm nhạc nói chung.
(Nguồn: Highsnobiety)
Văn hóa K-pop hay được gọi là “làn sóng Hallyu” là cụm từ để nói về sự ảnh hưởng rất lớn và nó trở thành một thứ văn hóa hết sức đặc trưng trong ngành giải trí toàn cầu. Chỉ trong vòng 20 năm, từ một nước nghèo, Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng để trở thành một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới với nhiều sản phẩm và công nghệ tiên tiến. Sự xuất hiện của các nhóm nhạc như FINKL và Super Junior đã khiến cho những người yêu nhạc, dù không biết tiếng Hàn, cũng phải say mê nền âm nhạc của đất nước này. Có thể nói, Kpop là một công cụ hữu ích giúp truyền bá văn hóa cho đất nước của xứ sở kim chi. Gangnam style chính là bước ngoặt của Kpop khi bài hát này của PSY được vang danh toàn cầu, lần đầu tiên có một ca khúc Kpop có sức hút và đạt được thành công ngang bằng hoặc hơn những nghệ sĩ đến từ US-UK.
(Nguồn: YG)
Trong những năm gần đây ngành K-pop đang càng ngày phát triển với phạm vi không còn ở Châu Á mà còn lan rộng ra cả những nước phương Tây, thậm chí là nền âm nhạc khó tính nhất trên thế giới Mỹ. BTS nổi lên như hiện tượng, mặc dù xuất phát điểm từ một công ty nhỏ, không có bất kỳ danh tiếng nào trước đó. Nhưng với chiến lược quảng bá thông minh BTS đã trở thành nghệ sĩ nổi danh toàn cầu. Hãy cùng xem nghệ thuật Marketing trong nền âm nhạc Kpop có điểm gì đặc biệt đến vậy?
Nghệ thuật Marketing trong nền âm nhạc Kpop: Đặc biệt nằm từ sự khác biệt
Đánh đúng Insight của người dân Á Đông
Từ khi ra đời và phát triển, Kpop trải qua rất nhiều giai đoạn và việc cho ra mắt một nhóm nhạc với số lượng thành viên lớn được cho là điều làm nên sự khác biệt với các nền âm nhạc khác trên thế giới. Một trong những thành công của Kpop chính là chiến lược Marketing rõ ràng, đánh đúng vào Insight của người dân Hàn, ưa chuộng hình thức. Người Hàn nói riêng và người châu Á nói chung rất chuộng vẻ ngoài của một thần tượng. Vậy nên nghệ thuật Marketing trong nền âm nhạc Kpop thành công phần nhiều bởi đánh trúng Insight của người dân Hàn, cũng như người dân Châu Á nói chung.
(Nguồn: sbs.com.au)
Hãy thử nhìn vào những thần tượng được ra mắt dưới trướng của những công ty giải trí như SM, JYP, Pledis, các thần tượng điển hình: Yoona, Suzy, Tzuyu, Sehun, Nichkhun… Những nhóm nhạc nổi tiếng của Kpop đều có chung một điểm là đều sở hữu những thành viên với ngoại hình sáng sân khấu, lung linh mọi góc nhìn và quan trọng hút fan rất lớn. Nhóm nhạc nào có ngoại hình càng đẹp thì tỷ lệ thành công, và độ phủ với công chúng càng cao, ví dụ điển hình như nhóm nhạc quốc dân SNSD, EXO, BTS, 2PM, Twice….Chiến lược Marketing trong nền âm nhạc Kpop thực sự có được thành công một phần nhờ yếu tố ngoại hình của thần tượng ở nhiều công ty giải trí chọn lựa ra.
Lựa chọn Portfolio đầy chiến lược
Nếu một công ty có danh mục sản phẩm (portfolio) thì công ty giải trí xứ kim chi cũng tạo dựng cho mình Portfolio các nhóm nhạc/ nghệ sĩ. Mỗi nhóm nhạc sinh ra đều giữ một vai trò khác nhau trong cuộc chiến tại thị trường âm nhạc. Công ty sẽ lựa chọn những “chiến binh” xuất sắc nhất làm “con cưng” hay chính là brand chính – con át chủ bài đem lại doanh thu lớn nhất cho công ty. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các sub-brand, nhằm phục vụ nhóm nhỏ khán giả có thị hiếu đặc biệt. Việc phân chia như vậy xuất phát từ tham vọng mở rộng thị trường của các công ty giải trí. Nghệ thuật Marketing của nền âm nhạc Kpop vang danh toàn cầu bởi chính sự khác lạ và độc đáo này.
SNSD và F(X) là hai nhóm đối lập về phong cách (Nguồn: Kpop Song Lyrics)
Ví dụ điển hình là công ty SM Entertainment, trong thế hệ Girl Group thứ hai của mình, “ông trùm giải trí” Lee Soo Man đã lựa chọn nhóm “nhóm nhạc tường thành” Girls’ Generation làm “con át chủ bài” và cho nhóm “debut” với hình tượng ngây thơ trong sáng – cũng chính là thị hiếu của phần đông người hâm mộ Hàn Quốc lúc bấy giờ, với các bài nhạc Pop bắt tai. Và để phục vụ một “ngách” fan hâm mộ ưa chuộng phong cách cá tính khác, SM đã cho ra mắt nhóm idol F(X) bao gồm 5 cá tính độc đáo với các bài hát Electronic đầy khác biệt so với các bài hát thị trường.
Những kênh Social Media tiếp cận với khách hàng đầy thông minh
Một trong nghệ thuật Marketing trong nền âm nhạc Kpop đó chính là sự tiếp cận với các Fan cũng chính là khách hàng một cách dày đặc và thân thiện nhất. Không chỉ đăng những hình ảnh trên những trang mạng như Facebook, Instagram, Twitter… Mà những công ty giải trí Hàn Quốc còn tận dụng Live stream là một chiêu thức để Marketing rất tốt đưa thần tượng của mình đến gần nhất với những fan của mình. Kênh Vline là một kênh cho phép thần tượng Hàn Quốc có thể dễ dàng giao tiếp với Fan từ đó xây dựng hình tượng thân thiện nhất trong mắt người dùng, đây chính là điểm khác lạ từ nghệ thuật Marketing trong nền âm nhạc Kpop.
Kênh công ty chủ quảng của BTS với lượng theo dõi đáng mơ ước (Nguồn: Youtube)
Hãy nhìn vào sự thành công của Seventeen hiện nay, Công ty chủ quản đã cho nhóm thực hiện chương trình “17TV” trước khi nhóm ra mắt để làm quen với người hâm mộ. Chính bởi sự gần gũi, và sự truyền thông dày đặc như thế đã giúp Seventeen thu về lượng fan khá đáng kể, và nhóm sau khi ra mắt đạt được thành công rất lớn nhờ chiến lược Social Media hợp lý. Và gần đây nhất với 350.000 album được “tẩu tán”, đủ để thấy sức ảnh hưởng của nhóm như thế nào. Hay nhắc đến BTS là một nhóm nhạc có độ phủ cực lớn, công ty của BTS đã lập ra hai kênh để giúp nhóm tương tác với fan. Kết quả ra sao, chỉ với duy nhất 1 nhóm nhạc mà kênh của công ty Bighit đã thu về 18 triệu lượt theo dõi trên Youtube, đây là một con số cực khủng với những nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc đủ cho thấy nghệ thuật Marketing trong nền âm nhạc Kpop mạnh như thế nào.
Khách hàng luôn được công ty “chiều” hết mình
Nếu bạn nghĩ việc ra mắt của các nghệ sĩ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các công ty giải trí thì bạn đã nhầm to. Trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, trong một vài năm trở lại đây Fan hâm mộ chính là “người có thẩm quyền tối cao”, thậm chí là người quyết định nghệ sĩ nào sẽ được phép được ra mắt. Điều này chứng tỏ, các “ông trùm giải trí” luôn đặt khách hàng lên đầu, ý kiến của họ được góp nhặt và cho ra mắt được nhóm nhạc thành công theo đúng ý của khách hàng (fan).
I.O.I và Wanna One là hai nhóm nhạc dựa trên sự bình chọn của Fan (Nguồn: KpopViral)
Điều này cũng lý giải sự ra đời của rất nhiều Show tuyển chọn thực tế “đình đám” xứ Hàn như: Kpop Star, The Voice hay gần đây nhất là Sixteen – “một cuộc chiến sinh tử” để chọn ra 9 thành viên xuất sắc nhất cho nhóm nhạc Twice của công ty giải trí JYP. Hay như cuộc thi Produce101, chứng kiến sự ra mắt của 2 nhóm nhạc I.O.I và Wanna One. Đây được coi là hai nhóm nhạc quốc dân, nhận được rất nhiều sự hưởng ứng từ fan hâm mộ, mặc dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngủi nhưng thành tích mà hai nhóm đạt được còn hơn cả những nhóm có thời gian hoạt động lâu năm. Đây chính là một điểm khác lạ từ chiêu thức Marketing trong nền âm nhạc Kpop.
Kết luận
Nền âm nhạc Kpop đang chứng kiến những bước chuyển mình vô cùng lớn với những sự phát triển vượt bậc trên toàn cầu. Chiến lược Marketing trong nền âm nhạc Kpop mới lạ và đem nhiều bản sắc Á Đông, chính sự mới lạ này đã giúp nền công nghiệp giải trí này được mệnh danh là nền công nghiệp lớn thứ 2 trên thế giới. Trong tương lai, với những sự phát triển như hiện tại thì Hàn Quốc sẽ là một quốc gia có được thị trường Âm nhạc mạnh có thể cạnh tranh với thị trường âm nhạc US-UK.
Thắng Nguyễn – MarketingAI
Nguồn : https://marketingai.admicro.vn/bat-mi-nhung-chieu-tro-marketing-trong-nen-am-nhac-han-quoc/