Khách hàng ngày càng trở nên khó tính, các thương hiệu ngày nay đều có thể dễ dàng nhận ra một điều rằng hành trình lấy tiền từ túi khách hàng khó hơn bao giờ hết. Khách hàng thông minh hơn và ngày càng trở nên “phòng thủ” với những lời quảng cáo hoa mỹ. Câu hỏi đặt ra rằng, bằng cách nào thì có thể tấn công khách hàng một cách tự nhiên nhất mà vẫn thu lại được kết quả cao? Chiến dịch Marketing bằng Packaging chính là câu trả lời hoàn hảo nhất hiện nay giúp các thương hiệu đạt được mong muốn, hãy cùng xem chiến lược này có gì đặc biệt và hiệu quả như thế nào.
Mục Lục
1 Chiến dịch Marketing bằng Packaging là gì?
2 Những thương hiệu áp dụng thành công với chiến lược bao bì
2.1 Coca-Cola
2.2 Pepsi
2.3 Bia Trúc Bạch
2.4 Tương ớt Chinsu
3 Kết luận
Chiến dịch Marketing bằng Packaging là gì?
Packaging hay được gọi là bao bì sản phẩm, bao bì là những gì thể hiện sản phẩm của bạn bằng hình thức tốt nhất, thể hiển giá cả và giá trị của sản phẩm, truyền đạt lợi ích của sản phẩm cho người tiêu dùng và những gì thể chất xuất hiện ở các điểm phân phối khác nhau của bạn. Bạn cần nhớ rằng mọi người định hình, nên ấn tượng đầu tiên của họ về bạn trong vòng 30 giây đầu tiên khi nhìn thấy bạn hay thấy một vài yếu tố nào đó của doanh nghiệp. Những cải thiện nhỏ trong đóng gói hay bao bì bên ngoài sản phẩm hay dịch vụ có thể dẫn tới những phản ứng hoàn toàn khác biệt từ các khách hàng.
(Nguồn: Daily World Times)
Chiến dịch Packaging là làm cho người tiêu dùng ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi bao bì sản phẩm của nhà sản xuất. Chiến lược này giúp nhãn hàng gây thiện cảm với khách hàng ngay từ lần nhìn đầu tiên. Khi mà lời nói, hình ảnh không còn trọng lượng thì đã đến lúc tập trung vào sản phẩm là yếu tố giúp thương hiệu gây ấn tượng với khách hàng. Hãy cùng xem những thương hiệu đã làm gì để áp dụng chiến lược này thành công cho mình.
Những thương hiệu áp dụng thành công với chiến lược bao bì
Coca-Cola
Có thể nói, Coca-Cola là cái tên đầu tiên khi nhắc đến thương hiệu thành công khi cải tiến bao bì của mình. Hãng đã thực hiện chiến dịch Marketing bằng Packaging cùng với đó là yếu tố cá nhân hóa mạnh mẽ được thực hiện vào năm 2014. Với định vị thương hiệu gắn liền với những khoảnh khắc sẻ chia niềm, chính vì thế chiến lược của hãng tập trung vào yếu tố vui vẻ và mang đến cho khách hàng tính giải trí nhất. Chính vì thế, họ muốn tung một chiến dịch để tạo sự kết nối với những khách hàng trẻ tuổi. Coca- Cola đã đưa ra một ý tưởng, biến mình trở thành “tiếng nói” của mọi cuộc trò chuyện bằng cách in lên vỏ lon hơn 150 cái tên phổ biến nhằm truyền tải thông điệp “Share A Coke”.
(Nguồn: Brandsvietnam)
Chiến lược này với những ý tưởng bao bì đơn giản nhưng tinh tế đến từng chi tiết, hãng đã tạo ra một trào lưu “săn” những lon Coca-Cola có in tên của mình trên trên thị trường. Điều này có rất nhiều yếu tố khiến khách hàng chịu bỏ tiền túi ra mua những sản phẩm của mình, vẫn với chất lượng sản phẩm như vậy nhưng với sự thông minh trong cách sửa đổi bao bì đã giúp hãng gia tăng thị phần của mình ở Việt Nam lên 4%. Nó được đánh giá là một chiến dịch Marketing thành công, trở thành một hiện tượng, trào lưu trong đời sống xã hội của giới trẻ Việt Nam một thời gian dài.
Pepsi
Cũng không kém cạnh đối thủ “truyền kiếp” của mình, Pepsi đã thực hiện chiến dịch Marketing bằng Packaging hết sức thành công. Khác với Coca-Cola thì Pepsi lại thông qua những dịp lễ hội để làm cho bao bì của mình được nổi trội hơn so với những thương hiệu cùng ngành có mặt trên thị trường.
(Nguồn: Brandsvietnam)
Pepsi là một điển hình đã vô cùng thành công trong đầu năm 2018 với packaging gây được ấn tượng mạnh: “Pepsi Muối”. Khi mà dịp tết luôn là dịp để các thương hiệu thu về được những khoản lợi nhuận tối đa cho mình, nhận thấy điều này Pepsi đã luôn “thay da đổi thịt” cho mình. Thoạt nhìn Pepsi có thể đánh lừa người tiêu dùng về một sản phẩm mới với hương vị mới Pepsi kết hợp với “Muối”. Tuy nhiên thiết kế này lại đánh trúng vào phong tục truyền thông của người dân Việt Nam mỗi dịp tết với họa tiết hoa mai, đồng tiền may mắn và đặc biệt kèm theo lọ muối. Về tổng thể thiết kế tối giản, tuy nhiên lại vô cùng hiệu quả khi “ăn theo” được tục lệ may mắn của người Việt dịp Tết “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Vừa truyền tải được thông điệp của sản phẩm vừa trở thành một món quà mang nhiều may mắn có thể đem tặng bạn bè người thân.
Bia Trúc Bạch
Bia Trúc Bạch có lẽ là một thương hiệu có sự lột xác ngoạn mục về bao bì thông qua chiến dịch Marketing bằng Packaging. Xuất phát điểm của Bia Trúc Bạch là một nhãn hiệu thuộc tập đoàn Habeco, cùng mái nhà với Bia Hà Nội. Được ra mắt vào thời kỳ Kinh tế Bao Cấp, Bia trúc bạch là một thức uống không thể thiếu của người dân Hà Nội cũng giống như Kem Tràng Tiền. Sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường bia Trúc Bạch với thiết kế cũ vẫn giữ được vị thế của mình cho đến những năm 1990 khi sự cạnh tranh từ các nhãn hiệu bia đến từ Trung Quốc và các thương hiệu phương Tây mới lạ. Chính vì thế Bia Trúc Bạch dần mất vị thế trên thị trường trước các đối thủ ngoại nhập.
(Nguồn: Habeco)
Quay trở lại thị trường sau một thời gian vắng bóng, Bia Trúc Bạch thay đổi về bao bì với nhãn bạc ánh kim sang đẳng cấp thay cho nhãn giấy như trước đây đã góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm trở thành dòng bia cao cấp. Việc thay đổi và cải tiến lớn về bao bì này đã đem lại tăng trưởng gấp 3 lần về mặt doanh thu của hãng bia lâu đời nhất Hà Nội đánh dấu sự quay trở lại ngoạn mục của bia Trúc Bạch. Sự trở lại này được xem như một bước đột phá của hãng khi đánh vào Insight của khách hàng Việt Nam, ưa chuộng về hình thức sản phẩm. Chính điều này đã giúp Bia Trúc Bạch thu hút trở lại của truyền thông và người tiêu dùng về một sản phẩm “chất” từ trong ra ngoài.
Tương ớt Chinsu
Theo thống kê của Nielsen, với những packaging được thiết kế tối ưu sẽ giúp tăng doanh thu của sản phẩm lên tới 5,5% so với những bao bì thông thường. Vì sao? Khi khách hàng chọn mua sản phẩm của bạn, họ không đơn giản chỉ mua tính năng nằm bên trong nó mà họ còn đi tìm kiếm sự tiện lợi khi sử dụng.
Có lẽ tương ớt Chinsu là một ví dụ hoàn hảo trong việc giải quyết thực trạng “Product Insight”. Khi quan sát hành vi sử dụng của khách hàng, Chinsu đã nhận thấy nắp của lọ tương ớt luôn là thứ cảm thấy vướng víu với khách hàng mỗi khi mở sản phẩm. Mỗi khi mở sản phẩm người tiêu dùng phải qua 1 bước cắt nắp nữa mới sử dụng được, điều này gây ra sự bất tiện với họ. Thế nhưng vào giữa năm 2018, hãng đã loại bỏ phần này thay vào đó là nắp tiện lợi mở ra ăn luôn để tạo ra trải nghiệm hoàn hảo nhất cho khách hàng. Ngay sau mẫu mã của sản phẩm tương ớt Chinsu tung ra thị trường thì hãng đã thu về tín hiệu tích cực khi 80% khách hàng đồng tình với thiết kế này và lượng bán ra của sản phẩm tăng đột biến. Đây cũng trở thành vấn đề được bàn tán trên mạng xã hội về “cuộc cách mạng” từ chiến dịch Marketing bằng Packaging, chỉ một thay đổi nhỏ đã tạo ra khác biệt đáng kể.
Kết luận
Không ai hiểu khách hàng bằng nhà sản xuất, khi mà những sản phẩm họ tạo ra thì họ biết được khách hàng muốn gì. Chính những chiến dịch Marketing Packaging này đã tạo ra được những thành công không tưởng cho các nhãn hàng khi chú trọng vào thay đổi bao bì. Đây được minh chứng rõ ràng cho xu hướng về sản phẩm hơn là những lời quảng cáo hoa mỹ đến từ nhãn hàng.
Thắng Nguyễn – MarketingAI
Nguồn : https://marketingai.admicro.vn/chien-dich-marketing-bang-packaging-nuoc-di-moi-cho-cac-nhan-hang/