Nước mắm là tinh hoa của người Việt và những sản phẩm về nước mắm luôn có một sức tiêu thụ vô cùng lớn. Nhiều nhãn hàng đã “đánh” vào ngành hàng này, và nước mắm Chinsu là một trong nưhxng cái tên sáng giá ở lĩnh vực này. Những chiến lược Marketing của nước mắm Chinsu rất đúng đắn, và hiện nay những thành công của nước mắm Chinsu đạt được nhờ cậy rất nhiều vào những bước đi này.
Chiến lược Marketing của nước mắm Chinsu: Sơ lược về Chinsu
Thương hiệu Chinsu có lẽ đã không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam bởi những sản phẩm đa dạng và chất lượng. Ra đời vào năm 2002, Chinsu là thương hiệu cao cấp với sứ mệnh đem đến hương vị hảo hạng cho bữa ăn ngon mỗi ngày của hàng triệu gia đình Việt Nam. Thương hiệu nước mắm Chinsu của tập đoàn Masan đang làm chủ cuộc chơi trên thị trường nước mắm trong nước và đang mở rộng thị phần bằng con đường xuất ngoại. Trong khi đó vẫn có thêm nhiều doanh nghiệp vào cuộc với sự đối đầu không khoan nhượng.
(Nguồn: investvine.com)
Những sản phẩm của Chinsu bao gồm:
- Nước mắm chinsu
- Nước tương chinsu
- Tương ớt chinsu
- Mì Omachi
Đối với ngành hàng nước mắm, Masan đang sở hữu nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại Phú Quốc với quy mô gần 500 thùng chượp có tổng sức chứa trên 10.000 tấn cá, cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu nước mắm cốt nguyên liệu cho sản phẩm nước mắm Chinsu và Nam Ngư. Bên cạnh đó, Công ty còn hợp tác thu mua nước mắm cốt từ các nhà sản xuất nước mắm cốt uy tín, ước tính khoảng 60% tổng sản lượng nước mắm của các vùng sản xuất nước mắm chính tại Việt Nam như Phú Quốc, Kiên Giang, Nha Trang, Phan Thiết…
Sản phẩm nước mắm Chinsu của Masan đang là sản phẩm nổi trội cạnh tranh trưc tiếp với các thương hiệu khác. Những chiến lược Marketing của Chinsu đánh rất sâu vào tâm lý khách hàng, khai thác triệt để những Insight của họ. Vậy Chinsu đã làm những gì để có một sản phẩm dẫn đầu thị trường như hiện nay?
Chiến lược Marketing của Chinsu: Thấu hiểu thói quen của người Việt Nam
Đánh đúng vào thói quen của khách hàng
Theo kết quả của một cuộc điều tra mới đây của Tổng cục Thống kê, hơn 95% hộ gia đình tại. Việt Nam sử dụng nước mắm để chấm, ướp và nấu trong các bữa ăn quanh năm. Đây quả là một thị trường hấp dẫn. Ước tính mỗi năm thị trường Việt Nam cần hơn 200 triệu lít nước mắm. Đó cũng chính là lý do để Masan chọn nước mắm làm vũ khí bí mật để chinh phục người tiêu dùng.
(Nguồn: Thuonghieuvacongluan)
Chính bởi lý do đó, chiến lược Marketing của nước mắm Chinsu xoáy sâu vào thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng. Người Việt Nam có thói quen sử dụng nước mắm rất nhiều nên hãng cũng tận dụng điều đó và cho ra mắt dòng sản phẩm nước mắm Chinsu. Nếu như trước kia nước mắm chỉ được sản xuất và mua ở những hộ nhỏ lẻ tiểu thương và đóng sơ sài. Thì với chiến lược “công nghiệp hóa” một sản phẩm có tính đặc thù như thế này, hãng đã thành công và tạo ra được cuộc cách mạng, dẫn đầu trên thị trường. Điều này đánh vào Insight của người Việt và tâm lý thích “nhanh – gọn – lẹ” phù hợp với nết sống của người dân hiện đại.
Sản phẩm đa dạng “bao vây” người tiêu dùng
Chinsu có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, có thể kể đến trong cùng một dòng sản phẩm nước mắm mà hãng có tới nhiều loại hướng đến từng đối tượng khách hàng khác nhau. Chiến lược Marketing của Chinsu nhắm vào đa dạng hóa các sản phẩm của mình, đưa tới khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn, bao vây khách hàng bởi những sản phẩm của mình tạo ra. Có thể kể đến những sản phẩm như:
- Nước mắm chinsu Nam Ngư
- Nước mắm chinsu Cá Hồi
- Nước mắm chinsu Thượng hạng
- Nước mắm chinsu Đệ Nhị
(Nguồn: Cafebiz)
Với mục đích đánh vào từng đối tượng khách hàng khác nhau với những nhu cầu sử dụng. Chiến lược này của Chinsu thực sự thành công khi người tiêu dùng thực sự bị vây quanh bởi “Ma trận” mà nước mắm Chinsu tạo ra trên thị trường. Có thể nói trong gia đình bây giờ, ít nhất có 1 hoặc 2 loại sản phẩm liên quan đến Chinsu và loại sản phẩm nước mắm Chinsu. Với mỗi sản phẩm nước mắm được Chinsu tạo ra, hãng cam kết “tất cả nguồn nước mắm cốt nguyên liệu này đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng”.
Nước mắm chinsu và tuyệt chiêu “Marketing dựa trên sự sợ hãi”
Trước đó, đối thủ chính của nước mắm Chinsu là nước mắm Knorr Phú Quốc của Unilever. Quy trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm này khá tốn kém vì được sản xuất, đóng chai thủy tinh tại đảo Phú Quốc, sau đó vận chuyển vào đất liền và phân phối đi khắp cả nước. Với sự cộng hưởng của 2 thương hiệu nổi tiếng là Knorr và Phú Quốc, sản phẩm này nhanh chóng giành được hơn một nửa thị trường. Nỗ lực đuổi theo Knorr, Masan đã cải tiến chai thủy tinh truyền thống thành chai nhựa để nước mắm Chinsu nhẹ hơn, dễ vận chuyển, phân phối nhanh hơn và tăng cường các thông điệp quảng cáo. Nếu nước mắm Knorr Phú Quốc có thông điệp quảng cáo “thơm lừng hương vị 100% tự nhiên” thì nước mắm Chinsu là “thơm lừng từng giọt, từng giọt đậm đà” (theo một chuyên gia ẩm thực, người miền Nam thích nước mắm thơm lừng, trong khi người miền Bắc chuộng sự đậm đà). Kết quả, sau khi cải tiến, nước mắm Chinsu đã giành được xấp xỉ 10% thị phần.
(Nguồn: Masan)
Song, giống như nước tương trong giai đoạn đầu, nước mắm Chinsu vẫn chưa tạo được bước đột phá. Năm 2008, tái hiện câu chuyện của nước tương Tam Thái Tử, khi “marketing dựa trên sự sợ hãi” thành công vang dội, Masan Food tung ra nước mắm Chinsu Nam Ngư. Tuy nhiên, lúc này, không có tai nạn nào xảy ra mà chính Masan Food đã tạo nên “sự cố” cho sản phẩm nước mắm. Đưa ra thông điệp “Nam Ngư – Nước mắm không cặn”, loại nước mắm mới này đã khiến người tiêu dùng hoài nghi về những điều họ chưa từng nghĩ đến trước đó, giống như với 3-MCPD vậy. Chiến lược chinh phục người tiêu dùng bằng tiêu chí sức khỏe một lần nữa đã giúp Masan Food đảo lộn thị trường nước mắm. Đến nay, sản phẩm nước mắm của Masan Food đã chiếm gần 60% thị trường, đang áp đảo Knorr Phú Quốc. Đồng thời, nước mắm cũng là mảng tạo ra doanh thu cao nhất tại Masan Food. Chiến lược Marketing của nước mắm chinsu cho thấy rõ được những tiềm năng và hãng đã tạo được những thành công cực kỳ lớn trên thị trường trước các đối thủ mạnh ngành FMCG khác.
Truyền thông và các TVC phủ sóng
Giữa năm 2006, Masan chính thức gia nhập thị trường nước mắm với nhãn hiệu Chinsu. “Sinh sau đẻ muộn”, để xác lập được chỗ đứng, Masan không ngừng dội bom truyền thông và cho người tiêu dùng dùng thử sản phẩm miễn phí. Thời điểm đó, không nhiều người tiêu dùng quan tâm đến độ đạm, lại giảm hứng thú với nước mắm truyền thống do mặn và đậm mùi. Doanh nghiệp này đã giảm độ đạm và mùi vị, biến nước mắm thành thứ nước chấm vừa miệng, có mùi nhẹ và dễ ăn hơn. Kết quả là họ thành công trong việc mang đến xu hướng tiêu dùng mới, được các bà nội trợ từ thành thị tới nông thôn đón nhận nhiệt tình.
(Nguồn: Youtube)
Với những TVC quảng cáo chất lượng cùng với đó là độ phủ sóng truyền thông lớn, chính bởi lý do đó, không có gì ngạc nhiên khi chiến lược Marketing của nước mắm Chinsu tăng được độ lan tỏa rất lớn. Với ngân sách Marketing vô cùng lớn cùng với đó là tham vọng thống lĩnh thị trường từ sản phẩm gia vị truyền thống của người dân Việt Nam. Chưa đầy 1 năm sau, nước mắm Chinsu đã thay thế sản phẩm của Unilever trở thành nhãn hiệu nước mắm được ưa chuộng nhất bởi chiến dịch truyền thông quảng cáo đúng đắn và thành công.
Kết luận
Chiến lược Marketing của nước mắm Chinsu hướng tới sự thân thiện và có thể đem đến cho người sử dụng hương vị Việt Nam nhất có thể. Mặc dù gia nhập thị trường muộn hơn các đối thủ khác nhưng những gì Masan làm cho Chinsu là không hề kém cạnh. Với những sự thành công về lượng thị phần, cùng với đó là vị trí số một trong ngành sản xuất nước mắm thì Chinsu giờ đây được ví như sản phẩm mà gia đình nào cũng phải có vì độ nổi tiếng rất lớn.
Thắng Nguyễn – MarketingAI
Nguồn : https://marketingai.admicro.vn/gia-vi-tinh-hoa-cua-nguoi-viet-nhin-tu-chien-luoc-marketing-cua-nuoc-mam-chinsu/