Nguyên lý hoạt động
Điểm then chốt của công nghệ sạc không dây nằm ở cái gọi là điện từ trường và các hiệu ứng của nó, được sử dụng để chuyển năng lượng từ một nơi (đế sạc) sang nơi khác (điện thoại của bạn) thông qua cảm ứng điện từ. Về cơ bản, bạn có 2 cuộn dây vật lý, một cuộn giúp chuyển năng lượng sang điện từ trường có thể di chuyển trong môi trường mà không cần dây nhợ; trong khi cuộn dây còn lại giúp chuyển đổi từ trường trở lại thành năng lượng.
2 cuộn dây này tạo thành một hệ thống gọi là máy biến áp. Ngoài phương pháp phổ biến này còn một giải pháp sạc không dây hoạt động dựa trên cộng hưởng từ. Về bản chất, nó không khác gì so với kỹ thuật vừa giải thích bên trên, nhưng lợi thế đó là tăng khoảng cách sạc, sạc cùng lúc cho nhiều thiết bị và có thể hoạt động với nhiều loại vật liệu.
Các tiêu chuẩn sạc không dây
Như đã nói, sạc không dây là công nghệ đã có trong nhiều năm, được trang bị trên mọi thiết bị từ bàn chải đánh răng điện cho đến Nokia Lumia 820 (ra mắt năm 2012). Tất nhiên, công nghệ nào cũng sẽ có một vài tiêu chuẩn khác nhau, phát sinh thêm câu chuyện về khả năng tương thích hoặc không tương thích. Tiêu chuẩn không dây phổ biến nhất, được hỗ trợ trên hầu hết điện thoại ngày nay cũng như iPhone mới chính là Qi (phát âm: 'chi'). Qi được phát triển bởi Wireless Power Consortium và 247 thành viên đến từ Apple, Google, Samsung và đa số các tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Các điện thoại mới nhất của Apple, Samsung và LG đều hỗ trợ sạc Qi.
Ảnh: Androidp Police
Một công nghệ sạc không dây khác là AirFule được hợp tác phát triển bởi Alliance for Wireless Power và Power Matters Alliance. Giống như Qi, tiêu chuẩn này hỗ trợ cả 2 hình thức sạc thông qua cảm ứng từ và cộng hưởng từ, nhưng cách làm việc thì hơi khác. Do đó, 2 công nghệ này không tương thích nhau, nghĩa là điện thoại hỗ trợ sạc Qi thì không thể sạc bằng đế AirFule.
AirFule tuy không phổ biến như Qi nhưng một số thiết bị hàng đầu vẫn hỗ trợ (Galaxy S8 của Samsung hoạt động với cả Qi và AirFule), và đây cũng là công nghệ mà Starbucks đã lắp đặt tại chuỗi cửa hàng của họ trong nhiều năm qua, Qi chỉ vừa được công ty này bổ sung sau khi iPhone mới ra mắt.
Không chỉ có 1 tiêu chuẩn sạc không dây và chúng không tương thích với nhau. Do đó từ đây, nếu có đặt chiếc iPhone 8 của mình lên cái đế sạc hỗ trợ AirFule của thằng bạn mà không thấy nó sạc thì đừng vội trách nhé.
Những gì bạn cần để có thể sạc không dây
Chỉ cần để ý đến tiêu chuẩn mà thiết bị của bạn hỗ trợ cũng như mức công suất của đế sạc, vậy là đủ. Không nhất thiết phải dùng đế sạc chính hãng nếu thấy nó không phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng tài chính. Tất cả bộ sạc Qi đều sẽ hoạt động tốt với thiết bị di động hỗ trợ Qi. Hiện nay, hai đối thủ lớn trong ngành công nghiệp smartphone là Apple và Samsung đều đang sở hữu những 'bí quyết' riêng đối với công nghệ sạc không dây này. Trong khi Apple có đế sạc có thể sạc cùng lúc cho nhiều thiết bị thì Samsung lại có lợi thế đối với công nghệ sạc nhanh không dây.
Ưu điểm và nhược điểm của sạc không dây
Hãy thử tưởng tượng bạn về nhà và đặt điện thoại của mình lên đế, thế là nó sẽ sạc, không cần phải lọ mò tìm dây cắm vào. Rồi khi đi đến những quán cafe hay rạp phim có lắp sẵn bộ sạc không dây, bạn chỉ cần đặt điện thoại của mình vào, không cần phải lôi cáp và cục sạc ra nữa.
Tuy nhỏ, nhưng đó là những điều khiến cho cuộc sống trở nên đơn giản và vui vẻ hơn.
Ảnh: Pi Charging
Bên cạnh những ưu điểm này, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định ở việc sạc không dây: bạn không thể sử dụng điện thoại một cách dễ dàng trong khi sạc và tốc độ sạc cũng chậm hơn so với cách truyền thống. Sạc nhanh qua kỹ thuật cảm ứng từ nhanh hơn so với cộng hưởng từ, nhưng trở ngại là bạn không thể mang điện thoại ra xa đế sạc dù chỉ một chút.
Apple bắt đầu hỗ trợ sạc không dây trên các thiết bị của họ đồng nghĩa với việc công nghệ này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự canh tranh giữa các hãng sẽ giúp cho công nghệ sạc không dây trở nên phổ biến hơn và tốc độ sạc cũng nhanh hơn so với hiện tại. Dự kiến năm sau, Pi - một bộ sạc không dây sạc được cho nhiều thiết bị để gần nó sẽ được tung ra thị trường, khởi đầu cho một tương lai đầy hứa hẹn của công nghệ này.
Tham khảo: Gizmodo