Một ý tưởng đơn giản nhưng hết sức hữu ích đã được người Trung Quốc thử nghiệm để chuẩn bị đưa vào thực tế, nhằm giải quyết bài toán giao thông ở đất nước đông dân nhất thế giới này.
Hyperloop đang là một phương tiện di chuyển được nhiều người kỳ vọng sẽ thay đổi nền tảng giao thông trên thế giới trong tương lai. Mặc dù đã tiến rất gần tới thực tế, nhưng hình thức di chuyển này có lẽ chỉ phù hợp với các quãng đường xa. Giao thông hàng ngày trong đô thị có lẽ vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Và một ý tưởng rất đơn giản mà thiết thực đã được người Trung Quốc đưa ra trong Triển lãm Công nghệ cao Bắc Kinh vừa qua.
Kết hợp giữa ý tưởng mang phương tiện công cộng như xe bus vào thực tế trong khi vẫn giữ lại không gian cho các phương tiện cá nhân, loại xe bus 'dạng chân' này được nhà thiết kế nhấn mạnh vào khả năng chuyên chở và mức độ hiệu quả về kinh tế chứ không phải vận tốc di chuyển như Hyperloop.
Như video minh họa, toa xe rộng bằng bề mặt đường có thể chứ tới 1.400 hành khách, trong khi phần chân dạng ở phía dưới có thể giúp các phương tiện khác lưu thông bình thường.
Do không xung đột với các phương tiện khác, loại bus đặc biệt này cũng gần như các loại tàu, xe chạy trên cao nhưng không đòi hỏi phải xây dựng một hạ tầng riêng. Đồng thời để tăng cường tính hiệu quả, nhà thiết kế cũng sử dụng động cơ điện và cơ cấu vận hành hoàn toàn.
Thực ra ý tưởng này không hề mới lạ. Xe bus 'dạng chân' là một ý tưởng đã được đưa ra bởi 2 kiến trúc sư người Mỹ là Lester Walker và Craig Hodgetts vào năm 1969. Tuy nhiên vào thời đó, loại xe bus này có thể nằm ngoài khả năng xây dựng của con người.
Một phiên bản mẫu với đầy đủ chức năng như thiết kế đang được xây dựng tại Thường Châu.
Nhưng vào năm 2016, mọi chuyện đã thay đổi. Kỹ sư trưởng của dự án này, ông Song Youzhou cho biết một phiên bản mẫu với đầy đủ chức năng như thiết kế đang được xây dựng tại Thường Châu, Trung Quốc và sẽ đi vào thử nghiệm vào tháng 8 này.
Kỹ sư này cũng cho biết, nếu được đưa vào thực tiễn, loại phương tiện này sẽ cắt giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân và qua đó giảm tới 800 tấn khí thải CO2 ở Trung Quốc mỗi năm.
Cập nhật: 26/05/2016 Theo Trí Thức Trẻ