Việt Nam cải thiện vượt bậc ở chỉ số hạ tầng viễn thông TII (tăng 31 bậc), cải thiện ở chỉ số nhân lực HCI (tăng 3 bậc) nhưng tụt hạng đáng kể ở chỉ số dịch vụ trực tuyến OSI (giảm 22 bậc).
5 quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số EGDI là Đan Mạch, Hàn Quốc, Estonia, Phần Lan, Australia.
Chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam 2020
Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ), mục tiêu “Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử”.
Ông Vũ Kiêm Văn - đại diện Hội truyền thông số Việt Nam cho biết: “Đây là thách thức lớn bởi chỉ số chính phủ điện tử gồm nhiều yếu tố về phát triển con người bên cạnh những yếu tố trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông. Việt Nam cần các cách tiếp cận để nâng cao chỉ số phát triển con người”.
EGDI gồm 3 chỉ số chính, đầu tiên là chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI) đánh giá dựa trên 5 tiêu chí (tính hiệu lực, tính tin cậy, tính mở, tính bao trùm, trách nhiệm giải trình) trực tiếp từ Cổng thông tin quốc gia, các Cổng thông tin cung cấp dịch vụ điện tử cũng như website của các Bộ quản lý lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phát triển kinh tế, lao động và việc làm, bảo vệ môi trường, an ninh - trật tự.
Thứ 2 là chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) gồm số người dùng Internet trên 100 người, số thuê bao băng rộng cố định trên 100 người, số thuê bao băng rộng di động (3G/4G) trên 100 người, số thuê bao điện thoại cố định trên 100 người, số thuê bao điện thoại di động trên 100 người.
Thứ 3 là chỉ số phát triển nhân lực (HCI) gồm tỷ lệ người lớn biết đọc biết viết, tỷ lệ đăng ký nhập học chung, số năm học kỳ vọng, số năm học trung bình.
Ngoài ra, EGDI có 3 chỉ số phụ gồm:
Chỉ số tham gia điện tử (EPI), đánh giá sự tương tác điện tử giữa chính phủ và người dân. Năm 2020, chỉ số EPI của Việt Nam có vị trí xếp hạng là 70/193, tăng 2 bậc so với năm 2018.
Chỉ số dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI) đánh giá sự phát triển dịch vụ trực tuyến của một số thành phố được chọn lựa trên thế giới. Năm 2020 chỉ đánh giá 86 thành phố. Việt Nam có TP. HCM được lựa chọn khảo sát, đánh giá, xếp hạng 42/86 thành phố được đánh giá và được xếp ở mức chỉ số LOSI trung bình.
Chỉ số dữ liệu chính phủ mở (OGDI). 2020 là năm đầu tiên Liên hợp quốc đánh giá chỉ số này. Chỉ số OGDI của Việt Nam năm 2020 được xếp vào nhóm trung bình của thế giới, xếp hạng 97/193
Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao chỉ số phát triển chính phủ điện tử
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu “Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử”, tháng trước, Hội truyền thông số Việt Nam phối hợp với Cục Tin học hoá Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu công bố chỉ số chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ chỉ số chuyển đổi số của cấp Bộ có 7 chỉ số chính với 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí. Kết quả của năm 2020, có 5 Bộ, cơ quan ngang bộ đứng đầu là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế.
Cấu trúc chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh 7 chỉ số chính chia làm 3 trụ cột về chính quyền số (tối đa 400 điểm), kinh tế số và xã hội số, với 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí. Kết quả năm 2020 là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP.HCM.
Theo ông Vũ Kiêm Văn, hiện nay, chỉ số chuyển đổi số của các bộ, tỉnh, thành phố còn thấp và còn nhiều dư địa để cải thiện. Vị này đưa ra một số giải pháp đề xuất để tăng chỉ số chuyển đổi số trong những năm tới.
Thứ nhất là cải thiện dịch vụ trực tuyến. Lựa chọn các dịch vụ công nhiều người dân quan tâm, mức độ truy cập tiềm năng nhiều (khai sinh, khai tử, kết hôn, thuế, giấy phép lái xe, giấy phép kinh doanh, môi trường, căn cước công dân, visa, bảo hiểm xã hội, thanh toán điện, nước, gas, nộp phạt vi phạm hành chính...).
Các Bộ, ngành, tỉnh thành còn nhiều dư địa để cải thiện chỉ số chuyển đổi số
Tiếp theo, cần tính đến đặc thù kinh tế xã hội từng địa phương, phân loại các dịch vụ hướng tới từng đối tượng người dân như người trẻ, phụ nữ, đàn ông, người khuyết tật, cao tuổi, nhập cư hay dịch vụ công đặc biệt theo diễn biến xã hội
Cần cải thiện dịch vụ trực tuyến, đảm bảo tính dễ sử dụng, tính liên tục và ổn định của các dịch vụ công trực tuyến, tăng cường phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển ứng dụng trên các ‘digital platform’ có khả năng tuỳ biến và mở rộng nhanh, cung cấp dịch vụ trên đa kênh (PC/Mobile/API...), quy định về SLA (Citizen care).
Nâng cao mức độ chia sẻ thông tin tới người dân, đặc biệt là các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là pháp luật, việc làm, bảo trợ xã hội, môi trường, y tế, giáo dục...
Cuối cùng, các bộ, ngành, địa phương cần thích nghi với COVID-19. “Đại dịch tác động mạnh mẽ đến chỉ số phát triển nhân lực. Vì thế, nếu đưa ra các chính sách, giải pháp đáp ứng được nhu cầu người dân, chỉ số về chuyển đổi số, chính phủ điện tử được cải thiện nhanh và mạnh”, đại diện của Hội truyền thông số Việt Nam nhận định.