Thương mại điện tử mới chiếm 3,1% tổng giá trị thị trường bán lẻ Việt Nam
Euromonitor International ước tính thương mại điện tử chỉ chiếm 3,1% thị trường bán lẻ Việt Nam vào năm ngoái. Đây là con số khiêm tốn so với các quốc gia Đông Nam Á. Trong khu vực, Indonesia đang dẫn đầu về chỉ số giá trị mua sắm trực tuyến trên tổng thị trường bán lẻ là 19,9%, đứng tiếp theo lần lượt là Singapore (15,6%), Brunei (9,2%), Thái Lan (8%). Việt Nam chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar - những quốc gia mà thương mại điện tử chỉ chiếm chưa tới 1% thị trường bán lẻ.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số mạnh mẽ, Việt Nam hướng đến tiêu chí 80% dân số có tài khoản thanh toán trực tuyến vào năm 2025, 50% giao dịch trực tuyến sẽ được thực hiện không sử dụng tiền mặt.
“Việt Nam có nhiều thuận lợi để thực hiện mục tiêu này. Dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ với hơn một nửa trong số 98 triệu dân sở hữu điện thoại thông minh. Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư công nghệ nước ngoài, bao gồm Warburg Pincus LLC, Goodwater Capital LLC và Alibaba Group Holding Ltd”, tờ Bloomberg bình luận.
Nền kinh tế số Việt Nam tăng 52 tỷ USD vào năm 2025, nằm trong top 3 Đông Nam Á
Theo thông tin từ trang web chính phủ, Thủ tướng muốn nền kinh tế số Việt Nam chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025. Mục tiêu này tăng lên thành 30% GDP trong năm 2030. Đây được cho là mục tiêu đầy tham vọng bởi hiện tại kinh tế số mới chỉ chiếm 8,2% GDP quốc gia.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài rót số vốn 1,9 tỷ USD vào các lĩnh vực trực tuyến ở Việt Nam. Theo dự báo, nền kinh tế số Việt Nam sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025 với mức độ tăng trưởng 30% mỗi năm.