Các nhà đầu tư tham gia vào vòng Series E còn có UBS AG chi nhánh London, Quỹ tăng trưởng châu Á Mirae Asset-Naver và Taiwan Mobile. Nhà tài trợ hiện tại của Tiki là STIC GIGF Ltd. Vòng gọi vốn mới đưa định giá của công ty lên gần 1 tỷ USD.
“Điều này cho thấy niềm tin của thị trường vốn toàn cầu vào sự tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam”, ông Trần Ngọc Thái Sơn, người thành lập công ty vào năm 2010, nói với Bloomberg.
Tiki đang là 1 trong những công ty thương mại điện tử nội địa lớn nhất Việt Nam, hoạt động trên toàn quốc và có khoảng 4.000 nhân viên. Các nhà đầu tư trước đây bao gồm Sumitomo Corp, JD.com và Northstar Group.
Công nhân đẩy xe hàng tại 1 kho hàng của Tiki ở TP.HCM hồi tháng 5
Công ty dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025 nhưng CEO Thái Sơn chia sẻ muốn đẩy kế hoạch này lên sớm 1 năm. IPO có thể thông qua hình thức SPAC (sáp nhập với công ty thâu tóm chuyên nghiệp). Ông Sơn cho biết việc niêm yết thành công của 1 công ty khởi nghiệp như Tiki tại Mỹ có thể giúp mở đường cho tăng cường đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ non trẻ của Việt Nam.
Khách hàng của công ty có trụ sở tại TP.HCM là tầng lớp trung lưu ngày càng lớn của Việt Nam, vốn đang chuyển sang thương mại điện tử ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch khi dịch vụ giao đồ ăn tươi sống của Tiki mở rộng nhanh chóng. Tiki dự kiến tăng trưởng doanh thu từ 40-50% trong vài năm tới.
Ông Thái Sơn cho biết thêm startup này triển khai tài xế xe máy ở các thành phố lớn để giao hàng nhanh nhất là 2 giờ sau khi có đơn đặt hàng và đang thử nghiệm giao hàng trong 30 phút và 1 giờ. Nguồn vốn mới cũng đầu tư vào logistics (bao gồm trí tuệ nhân tạo và robot để quản lý hàng tồn kho), đơn đặt hàng và giao hàng.
CEO tiết lộ Tiki có kế hoạch cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tùy chỉnh và dễ mua. Công ty có quan hệ đối tác 10 năm với bảo hiểm AIA. Tiki đang đa dạng hóa hơn nữa bằng cách phát triển 1 nền tảng cho phép các doanh nghiệp tích hợp ứng dụng độc lập vào hệ sinh thái của Tiki, chẳng hạn như ứng dụng của 1 công ty đầu tư cho phép người dùng truy cập các gói đầu tư.
“Chúng tôi tập trung nhiều vào thị trường Việt Nam. Tiki mong muốn chiếm 1%, 2% đến 3% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam”.
Chính phủ đặt mục tiêu mua sắm trực tuyến chiếm 10% doanh số bán lẻ của đất nước và lên đến 50% ở Hà Nội và TP.HCM vào năm 2025. Theo báo cáo hồi tháng 8 của Facebook và Bain & Co, Việt Nam được dự báo có 53 triệu người tiêu dùng trực tuyến, tương đương 71% dân số từ 15 tuổi trở lên, tăng 8% so với năm 2020. Đây là tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số cao thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam dự kiến đạt 12 tỷ USD trong năm nay và 56 tỷ USD vào năm 2026.
Hồi tháng 6, Tiki huy động được 1.000 tỷ đồng từ việc phát hành riêng lẻ trái phiếu không chuyển đổi và có bảo đảm thông qua phát hành riêng lẻ.