Cảm xúc của con người có liên hệ với hành vi và các trạng thái sinh lý trong các tình huống có tính chất sinh tồn hay những tương tác giữa dễ chịu giữa người này với người khác. Mặc dù ai cũng nhận thức được cảm xúc hiện tại của mình như giận dữ hay hạnh phúc nhưng cơ chế dẫn đến những cảm giác chủ quan đó vẫn chưa được phát hiện.
Bạn phổng lỗ mũi vì được khen? Lúc đó, hình như mũi của bạn phình to ra và khuôn mặt thì đỏ ứng vì vui sướng. Rồi những lúc buồn đến não ruột, chân tay lạnh ngắt, khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi và cảm tưởng như bạn chẳng còn tí sức lực nào để làm bất cứ việc gì khác nữa? Cảm xúc của con người quả muôn hình vạn trạng và điều thú vị là sinh lý trong cơ thể cũng thay đổi đồng điệu với chuỗi cảm xúc 'sáng nắng chiều mưa' ấy. Vậy bí mật của cơ chế này là gì? Phần dưới đây sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin rất thú vị.
Chúng ta thường trải qua những trạng thái cảm xúc trực tiếp trong cơ thể. Khi đi dạo trong công viên với người mình yêu mến, mặc dù bước chân nhẹ nhàng nhưng trái tim của bạn đập thình thịch với sự phấn khích; rồi những buổi phỏng vấn xin việc quan trọng, bạn lo lắng đến mức các cơ bắp như bị thắt chặt, bàn tay đổ mồ hôi và cảm giác lo sợ xuất hiện. Theo nhiều nghiên cứu, hệ thống cảm xúc của chúng ta luôn sẵn sàng để đáp ứng những thách thức gặp phải trong môi trường bằng cách điều chỉnh quá trình hoạt hóa diễn ra trong tim mạch (cardiovascular), cơ xương (skeletomuscular), hệ thần kinh nội tiết (neuroendocrine) và hệ thần kinh thực vật (Autonomic Nervous System – ADS). (1) Mối liên quan giữa cảm xúc và trạng thái cơ thể cũng được phản ánh trong cách mà chúng ta diễn tả về cảm xúc, (2) một cô dâu trẻ sẽ kết hôn vào tuần tới đột nhiên cảm thấy 'bàn chân lạnh', nhận ra bộ mặt thật của người tình phản bội có thể khiến một người đau khổ và bài hát yêu thích có thể tạo ra 'một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng' của ai đó khi thưởng thức, đặc biệt là nếu nghe lúc tâm trạng - hợp tình, hợp cảnh.
Cả nghiên cứu trước đó – cảm xúc là gì (James W., 1884) và các nghiên cứu gần đây – trải nghiệm cảm xúc và bản chất của cảm xúc – về các mô hình của quá trình hình thành cảm xúc đều giả thuyết rằng, các trạng thái tình cảm cảm xúc mang tính chủ quan được kích hoạt bởi nhận thức của từng khu vực trong cơ thể có liên quan đến cảm xúc, phản ánh sự thay đổi trong cơ xương, hệ thần kinh nội tiết và hệ thần kinh thực vật. Những cảm xúc có ý thức giúp đỡ các cá nhân tự nguyện tinh chỉnh hành vi của mình để đáp ứng tốt hơn những thách thức của môi trường.
Cảm xúc có liên quan đến một loạt các thay đổi sinh lý, tuy nhiên, vẫn còn một vài tranh luận sôi nổi rằng liệu những thay đổi của cơ thể kết hợp với các cảm xúc khác nhau có đủ rõ ràng để làm cơ sở cho các trạng thái cảm xúc rời rạc như giận dữ, sợ hãi hoặc hạnh phúc và sự phân bổ vị trí của các cảm giác trong cơ thể có liên quan tới cảm xúc vẫn chưa rõ.
Nhà khoa học Lauri Nummenmaa và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm với 773 tình nguyện viên đến từ các nước khác nhau như Phần Lan, Đài Loan và Thụy Điển (tất cả đều nói ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của họ). Họ cho các tình nguyện viên nghe từ vựng, câu chuyện và những bộ phim khác nhau. Sau đó, các tình nguyện viên sẽ cảm nhận và tô lên các hình người trên giấy (silhouette) những khu vực trên cơ thể mà họ cảm thấy tăng hoặc giảm hoạt động trong lúc được nghe hoặc xem. Lúc này, các cảm xúc đó sẽ được liên hệ với các bản đồ cảm xúc thân thể (Bodily sensations maps – BSMs) khác nhau. Từ đây, nhóm nghiên cứu tiến hành sử dụng Phương pháp biểu đồ địa hình tự báo cáo dựa trên máy tính (Computer-based, topographical self-report method – emBODY) để dựng nên một tấm bản đồ hoàn chỉnh về mối tương quan giữa cảm xúc và hoạt động thân thể. Các màu thay đổi từ đen => đỏ => vàng (các màu ấm, nóng) để ám chỉ sự tăng lên của hoạt động, còn hiện tượng giảm hoạt động được biểu thị bằng sự thay đổi độ sáng của màu xanh dương (màu lạnh).
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành 5 thí nghiệm với 36 – 302 người tham gia ở mỗi nước. Trong thí nghiệm 1, những người tham gia cho thấy các cảm giác trong cơ thể có liên quan đến 6 cảm xúc cơ bản – giận dữ, sợ hãi, phẫn nộ, hạnh phúc, buồn, ngạc nhiên - và 7 cảm xúc không cơ bản (phức tạp) – lo lắng, đang yêu, chán nản, khinh bỉ, tự hào, xấu hổ, ghen tỵ - cũng như một trạng thái trung lập (bình thường), tất cả được mô tả bằng những từ ngữ chỉ cảm xúc tương ứng. Trong đó, cảm xúc tích cực bao gồm hạnh phúc, đang yêu và tự hào; cảm xúc tiêu cực bao gồm giận dữ và sợ hãi, lo lắng và xấu hổ, buồn bã và thất vọng, phẫn nộ, khinh bỉ và ghen tỵ; ngạc nhiên không phải là cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực – nó tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Giận dữ
Ở trạng thái cảm xúc này, các hoạt động trong cơ thể tăng lên, các hormone sẽ được tiết ra làm tăng huyết áp, đồng thời làm cho tim cũng đập nhanh hơn.
'Thủ phạm' của các biểu hiện này đó là Catecholamines, Epinephrine và Norepinephrine. Khi tức giận, cơ thể sẽ bài tiết ra catecholamine, tác dụng với hệ thống thần kinh trung ương, làm cho đường huyết tăng cao, tăng cường acid béo phân giải, độc tố trong tế bào gan và huyết dịch cũng theo đó tăng lên. Ngoài ra, sự nóng giận cũng sẽ tác động vào hệ giao cảm, làm tiết ra Norepinephrine, còn được gọi là Noradrenaline. Các chất này theo máu đi vào tuyến thượng thận làm tiết ra thêm Norepinephrine và Epinephrine, còn được gọi là Adrenaline dẫn tới tim đập nhanh và cao huyết áp.
Phẫn nộ
Khi phẫn nộ, các hoạt động trong cơ thể cũng diễn ra với cường độ mạnh. Hãy để ý ở miệng với màu vàng tuy không lan rộng nhưng nó có liên kết với phần bụng (màu đỏ kéo dài từ vùng bụng, theo đường thực quản, dạ dày và khi lên đến miệng chuyển sang màu vàng – hoạt động mạnh nhất) phản ánh một triệu chứng khó chịu ở bụng hoặc cảm giác nôn mửa.
Hiện tượng này xuất hiện cho tác động của Behavioral immune system (tạm dịch: hệ miễn dịch hành vi – có thể hiểu là các cơ chế tâm lý cho phép các cơ quan trong cơ thể nhận biết các mối nguy hiểm và kích hoạt các phản ứng để ngăn chặn chúng, chẳng hạn như khi ăn phải hoa quả thối hay đối mặt với các cách cư xử không được xã hội chấp nhận.
Hạnh phúc
Bạn có thể thấy khi hạnh phúc, cơ thể hoạt động rất mạnh, gần như không xuất hiện màu xanh dương trên bản đồ cảm xúc. Trong đó, màu vàng tập trung nhiều ở khuôn mặt cho thấy cảm xúc được thể hiện rất rõ ra bên ngoài, chẳng hạn như cười tươi và khuôn mặt rạng rỡ. Đây là lý do tại sao khi cảm thấy hạnh phúc, chúng ta chỉ muốn nhảy cẫng lên và chạy đến ôm chầm lấy người khác.
Chịu trách nhiệm cho cảm giác này chính là do trong cơ thể có tiết ra các hormone như endorphines, serotonin và dopamine.
Buồn bã
Khi buồn bã, đa phần các khu vực trong cơ thể đều chậm chạp, ngoại trừ phần ngực và khuôn mặt. Sở dĩ phần ngực có màu đỏ là do tác động của dây thần kinh phế vị. Đây là dây thực vật phó giao cảm (thuộc hệ thần kinh thực vật) lớn nhất của cơ thể, chi phối vận động, cảm giác hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng (bao gồm tim, phổi, tiêu hóa, tiết niệu và sinh dục).
Khi đối mặt với các tình huống đau khổ lên đến đỉnh điểm, con người có thể bị ngất do dây thần kinh phế vị. Hiện tượng này xảy ra khi một phần của hệ thống thần kinh điều chỉnh nhịp tim và huyết áp trục trặc trong phản ứng kích hoạt, chẳng hạn như khi nhìn thấy máu, nhịp tim chậm lại và các mạch máu ở chân giãn rộng. Điều này cho phép máu ứ lại ở chân, làm giảm huyết áp. Giảm huyết áp và nhịp tim chậm lại nhanh chóng làm giảm lưu lượng máu đến não. Đây chính là lý do mà khi cảm thấy buồn bã, gần như các bộ phận đều giảm hoạt động, riêng vùng mặt và ngực lại tăng hoạt động.
Sợ hãi
Khi sợ hãi, tim đập nhanh và huyết áp tăng lên kích thích các phản ứng 'chiến đấu hoặc bỏ chạy' (fight or flight). Ngoài ra, nhờ hàm lượng glucose trong máu cũng được đẩy nhanh nên con người có thêm năng lượng để đấu tranh hoặc chạy để sinh tồn.
Lúc đó, cơ thể phải huy động toàn lực để đối phó. Não thùy sẽ ra lệnh tiết các kích thích tố cần thiết, adrénaline,norepinephrine, cortisol... ồ ạt đổ vào máu. Tim đập nhanh để bơm máu về các cơ bắp lớn, phổi hổn hển tăng tốc bơm oxy, đường huyết vọt lên cao nhằm tăng cường khẩn cấp năng lượng, đồng tử mắt nở to để nhìn cho rõ, tai vểnh lên, mũi phồng ra... Tóm lại, mọi thứ đều phải trong tư thế sẵn sàng. Trong lúc các mạch máu lớn chuyển máu đến các cơ bắp thì mạch máu nhỏ ngoại biên co thắt lại, để nếu có bị thương thì máu cũng không bị mất nhiều... Vì thế mà người sợ hãi thường mặt mày tái ngắt, xanh lè, tay chân đơ cứng...
Xấu hổ
Không có gì khó hiểu khi cảm thấy xấu hổ, khuôn mặt là khu vực hoạt động mạnh nhất. Hai má thường đỏ ửng, tương ứng với màu vàng; tuy nhiên, khác với đầu và ngực thì phần dưới của cơ thể (chân và tay) giảm hoạt động. Đây chính là lý do vì sao thường chúng ta sẽ tránh nhìn vào mắt người khác, khom vai và hơi cúi người khi xấu hổ.
Tự hào
Khi cảm thấy tự hào, phần thân trên hoạt động rất mạnh (gần như với mức độ cao nhất). Tư thế người mở rộng, ngực ưỡn ra (có chút tự đắc) một cách tự nhiên đi kèm với cảm giác đạt được một điều gì đó và tự hào. Lúc này, trong cơ thể, hormone dopamine và oxytocin cũng được tiết ra khiến chúng ta cảm thấy hưng phấn.
Cập nhật: 18/07/2016 Vân Anh - Theo PNAS