Sea có hoạt động kinh doanh cốt lõi gồm trò chơi trực tuyến, thanh toán kỹ thuật số, thương mại điện tử. Ngày 17/8, công ty có trụ sở ở Singapore báo cáo doanh thu 2,28 tỷ USD trong quý 2/2021, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, Sea vẫn lỗ ròng 433 triệu USD, so với khoản lỗ 393 triệu USD trong quý 2/2020. Lý do là công ty theo đuổi các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ để cạnh tranh giành khách hàng với các đối thủ trong khu vực bao gồm Grab của Singapore và GoTo Group của Indonesia. Chi phí bán hàng và tiếp thị của Sea trong quý tăng 138% lên 921 triệu USD.
Các dịch vụ trực tuyến đang bùng nổ ở Đông Nam Á trong thời kỳ đại dịch giúp doanh thu Sea tăng mạnh
Công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York, hiện được định giá khoảng 150 tỷ USD, nhận thấy nhu cầu với các lĩnh vực đang kinh doanh tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch. Là công ty niêm yết hiếm hoi tại Mỹ, đại diện cho khu vực Đông Nam Á, cổ phiếu của Sea tăng giá hơn 7 lần kể từ đầu năm 2020.
Biến thể Delta dễ lây lan hơn, hoành hành ở Đông Nam Á trong những tháng gần đây, các nhà chức trách thắt chặt với hoạt động kinh doanh và xã hội, tạo nhiều cơ hội hơn cho các dịch vụ trực tuyến của Sea. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của Sea trong quý 2/2021 vượt quá tốc độ của 5 quý trước đó.
“Trong quý, khu vực tiếp tục đối mặt với những thách thức bởi đại dịch”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Forrest Li cho biết trong hội nghị từ xa hôm 17/8. “Chúng tôi vẫn tập trung hỗ trợ các nhân viên thực hiện chuyển đổi số để xây dựng 1 doanh nghiệp thương mại điện tử thành công, đồng thời cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn và nhiều lựa chọn hơn”.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Sea tăng khoảng 160% trong năm lên 1,2 tỷ USD, do có thêm khách hàng mới cũng như tỷ lệ hoa hồng cho người bán cao hơn. Trong khi đó, khoản lỗ của công ty thương mại điện tử này tăng gần gấp đôi lên 627 triệu USD.
Các thị trường chính của Sea gồm 6 quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc). Trong quý 2/2021, Sea cũng ra mắt các trang web thương mại điện tử ở Chile và Colombia như một phần của việc mở rộng ở thị trường châu Mỹ Latinh, sau khi công ty xuất hiện tại Brazil và Mexico. Sea không tiết lộ doanh thu cụ thể theo khu vực địa lý nhưng việc thâm nhập vào các thị trường mới có thể làm tăng thêm chi phí.
Tình hình COVID-19 đang ảm đạm tại Đông Nam Á, nhiều thành phố lớn đang thực hiện giãn cách có thể mở ra thêm cơ hội cho các dịch vụ trực tuyến.
Tuy vậy cạnh tranh thương mại điện tử trong khu vực cũng đang thay đổi nhanh chóng, là thách thức cho Sea. Grab là siêu ứng dụng kết hợp thương mại điện tử, thanh toán, giao hàng và các chức năng khác, có kế hoạch ra mắt công chúng tại Mỹ vào cuối năm nay thông qua việc sáp nhập với 1 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Trong đó Grab dự kiến huy động được hơn 4 tỷ USD. Sea và Grab cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, siêu ứng dụng Gojek và gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia hợp nhất để thành lập GoTo Group vào tháng 5, trong khi một tập đoàn thương mại điện tử khác là Bukalapak tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất Indonesia trên 1 sàn giao dịch địa phương vào đầu tháng này.