Từ đó, COVID-19 tiếp tục kéo dài sang năm 2021. Và hiện chưa có dự báo chắc chắn nào về thời điểm đại dịch sẽ chấm dứt.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, nền kinh tế đã và đang chuyển dịch lên môi trường số một cách nhanh chóng hơn. “Cú huých trăm năm” mà Bộ trưởng Hùng nói tới có thể thấy ở sức tăng trưởng của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông tiếp tục khả quan trong năm nay.
Tăng trưởng nhiều mặt
Báo cáo của Bộ TT-TT gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới) cho thấy những kết quả nổi bật của ngành qua những tháng đầu năm, cũng như xu hướng tiếp tục tăng trưởng nhiều mặt.
Về tổng quan, báo cáo cho biết, doanh thu toàn ngành năm nay ước đạt 3,431 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2020; nộp ngân sách dự kiến đạt 116.000 tỷ đồng tăng 6,3% so với năm 2020.
Nếu như đại dịch COVID-19 khiến nhiều ngành hàng phải thu hẹp hoạt động, nhiều doanh nghiệp đóng cửa…, thì số doanh nghiệp ngành TT-TT đến hết quý 3 vẫn tăng 8,7% và số lao động tương ứng tăng 3,3% so với thời điểm cuối tháng 12/2020.
Xu hướng dịch chuyển lên môi trường số tiếp tục thể hiện rõ. Báo cáo dẫn thống kê một kết quả ở các sàn thương mại điện tử (TMĐT) của các doanh nghiệp bưu chính, các nền tảng truy xuất nguồn gốc trong 9 tháng đầu năm cho thấy: số hộ nông dân tham gia tăng tới 191%, số lượng mặt hàng nông sản tăng tới 268%.
Hay ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến tháng 8/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình trên cả nước đã đạt trên 43% (gấp tới 4 lần so với năm 2019, gấp 1,5 lần so với năm 2020).
Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được đẩy mạnh triển khai và phát huy hiệu quả. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác chính thức. Hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia từng bước được hoàn thành, phát huy hiệu quả.
100% các bộ, địa phương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP), kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hàng ngày có khoảng 150.000 giao dịch thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Chỉ số An toàn, An ninh mạng toàn cầu của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia (tăng 25 bậc so với năm 2020) theo đánh giá từ Liên Hợp Quốc.
Chi tiết từng lĩnh vực cho thấy Công nghiệp công nghệ thông tin - ICT vẫn tăng trưởng ấn tượng với dự kiến doanh thu năm 2021 là 150 tỷ USD, tiếp tục tăng trưởng mạnh so với con số khoảng 120 tỷ USD đạt được trong năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp ICT đạt 1,992 triệu tỷ đồng (tương đương với khoảng 86,1 tỷ USD), tăng trưởng khoảng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020 (8 tháng 2020 doanh thu công nghiệp ICT chỉ tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019).
Điều này dự báo trong năm 2021 có thể đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP Việt Nam. Tuy nhiên, trong quý 2 vừa rồi đã có sự sụt giảm về doanh thu 14% so với quý 1 - báo cáo nêu.
“Phải chuyển đối số nhanh hơn”
Nêu kế hoạch phát triển ngành năm 2022, lãnh đạo Bộ TT-TT nhận định đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp đặt ra yêu cầu bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc gần, xã hội đã và đang chuyển dịch lên môi trường số một cách nhanh chóng và tiếp tục duy trì thói quen này. COVID-19 được coi là “cú huých trăm năm” cho chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, cần nhanh chóng triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, kèm theo một kế hoạch hành động tổng thể để tổ chức triển khai ngay.
Ngoài ra, Việt Nam với thị trường có hơn 96 triệu dân, dân số trẻ, tốc độ phát triển Internet cao, đây là cơ hội cho phát triển ngành dịch vụ CNTT&TT.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt một số khó khăn lớn như: Các lĩnh vực cải cách về thể chế, hạ tầng, nhân lực dù đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều yếu kém; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều.
Cùng đó, báo cáo của Bộ nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Và trong thời kỳ chiến lược 10 năm tới, Việt Nam còn phải đối mặt một loạt thách thức về môi trường, an ninh, đối ngoại... ngày càng gay gắt.
Báo cáo cũng dự kiến một số chỉ tiêu năm 2022 như doanh thu bưu chính đạt 45.000 tỷ đồng, doanh thu viễn thông 142.000 tỷ đồng, có 78.500 doanh nghiệp công nghệ số, tỷ trọng kinh tế số/GDP là 11,5%...
Theo mục tiêu đề ra tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được công bố hồi tháng 8/2021, Việt Nam dự kiến mục tiêu đến năm 2025 có tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.