Sẵn sàng đón ‘đại bàng’ FDI
Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận dòng vốn quốc tế khổng lồ dịch chuyển, đó là nhận định của không ít tổ chức quốc tế, giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế trong thời gian qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Hội nghị ”Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: Phạm Hùng
Cú hích cho nền kinh tế
Do chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2020 đạt trên 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước đó. Con số này dù giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cho thấy đây là điểm sáng trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đang lao đao vì đại dịch. Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện năm 2020 chỉ giảm 2%, ước tính đạt gần 20 tỷ USD. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (trường ĐH Fullbrigt) dự báo năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khả quan, bao gồm những dự án M&A do nhiều dự án định đầu tư 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2021 và sự dịch chuyển đầu tư của chuỗi cung ứng (các ngành logistics), ngành thực phẩm chế biến… vào Việt Nam.
Có đến một nửa số DN Nhật Bản nhận hỗ trợ của Chính phủ để dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã chọn Việt Nam. Theo Reuters, vào cuối tháng 11 vừa qua, Foxconn – nhà gia công lớn của thế giới và chuyên sản xuất cho Apple, sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam. Dự kiến, Foxconn bắt đầu sản xuất iPad và MacBook trong nửa đầu năm 2021. Liên tục các tên tuổi lớn đã đầu tư vào Việt Nam, từ Samsung, LG tới Foxconn, Pegatron… và xu hướng đầu tư vẫn đang tiếp tục. Một tin vui vào đầu năm mới 2021, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Đã có gần 300 DN từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, DN đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo thông tin ban đầu, thì vốn đầu tư đăng ký của các dự án lên tới hàng chục tỷ USD.
FDI được đánh giá là nguồn lực đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; năng suất lao động khu vực FDI cao gấp 2,4 lần năng suất chung cả nước. Sự gia tăng dòng vốn FDI cũng tạo cú hích việc làm, cải thiện nguồn nhân lực.
… Và câu chuyện “làm tổ đón đại bàng”
Việt Nam hiện đang loay hoay với nhiều điểm nghẽn mà có thể làm hạn chế dòng vốn đầu tư chảy vào. Nếu như vấn đề mặt bằng hay cơ sở hạ tầng có thể được giải quyết bằng các chính sách giải tỏa và đẩy mạnh đầu tư công, thì những hạn chế về logistics hay các ngành công nghiệp phụ trợ không thể được xử lý chỉ trong một sớm một chiều. Và trên hết là bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những dự án công nghệ cao, đứng đầu chuỗi cung ứng. Trong nhiều năm qua, phần lớn các dự án FDI vào Việt Nam chỉ tập trung ở các khâu gia công lắp ráp đơn giản, nên nhu cầu nguồn nhân lực chỉ dừng lại ở lao động phổ thông.
Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều chủ trương về thu hút FDI đã được định hình lại dưới tác động của thương chiến Mỹ – Trung. Lần đầu tiên sau hơn 33 năm thu hút FDI, vào tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TƯ để đưa ra định hướng cho thu hút luồng vốn này. Trong đó có yêu cầu bên hành pháp nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định lập tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” đến Việt Nam, tức ám chỉ những dự án từ các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng, cùng với những cam kết Việt Nam sẽ tạo thuận lợi nhất cho các NĐT đến “làm tổ”. Việt Nam đang vừa khôi phục, đổi mới đồng bộ nền kinh tế, vừa phát triển kinh tế số, Chính phủ số để dịch chuyển nhanh theo hướng hiện đại… Hơn thế nữa, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh quốc tế cao để thu hút NĐT chiến lược. Thậm chí, sẽ xây dựng tiêu chí và có cơ chế linh hoạt trong đàm phán, áp dụng ưu đãi riêng, đặc thù đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước. Tất cả là để chuẩn bị đón sóng đầu tư mới!.
Để đón được làn sóng đầu tư đang dịch chuyển, một trong những việc Việt Nam cần gấp rút làm, đó là chuẩn bị quỹ đất sạch, đặc biệt là quỹ đất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, việc xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải bài toán về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm cho DN; và cần thiết lập một trung tâm xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách quảng bá Việt Nam như điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên phạm vi toàn thế giới.
Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital Don Lam
Trâm Anh