Theo Bộ trưởng, 2021 đối với ngành thông tin và truyền thông là năm rất đặc biệt. “Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế, khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều có liên quan đến ngành thông tin và truyền thông. Ngành có 1 sứ mệnh mới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2021, doanh thu ngành thông tin và truyền thông đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Trong đó, đóng góp lớn nhất cho doanh thu toàn ngành là từ công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, với doanh thu năm nay ước đạt hơn 136 tỷ USD, tăng gần 11,5 tỷ USD so với năm 2020. Trong số này, đóng góp chính là doanh nghiệp FDI với hơn 117 tỷ USD.
Trong năm 2021, số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông tăng trưởng mạnh. Theo đó, Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020. Thách thức do dịch bệnh gây ra thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.
Ngành thông tin, truyền thông Việt Nam có bước phát triển nhanh trong năm 2021
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “COVID-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số. Năm 2021 đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số. Nhưng hạ tầng, cách làm vẫn là thời công nghệ thông tin. Bởi vậy, các vấn đề của ngành bộc ra rất rõ ràng. Nếu cứ bình thường, chắc chúng ta không nhìn thấy rõ, có thể vẫn tiếp tục khen nhau, tiếp tục làm việc trên giấy tờ và tạo ra thành công trên giấy tờ. Nhưng COVID-19, nhất là biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đẩy chúng ta khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về chuyển đổi số, về truyền thông”.
Bộ trưởng nhận định ngành thông tin và truyền thông có cách tiếp cận đúng đối với các vấn đề lộ ra. Thay vì lo sợ và tìm cách dấu đi hay bao biện, ngành chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết, đây là cơ may hiếm có để thông tin và truyền thông phát triển.
Định hướng đến năm 2025, Bộ đặt mục tiêu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang “Make in Viet Nam”, tức làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Trong đó, tỷ trọng “Make in Viet Nam” vào năm 2025 đạt trên 45%.
Khi đó, cả nước sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD. Cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD.
Trước mắt, 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh chuyển đổi số ở các ngành. Đây là năm đầu thực hiện các chiến lược mới như gạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí.
Với những nhiệm vụ lớn của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc tới những khó khăn phải đối mặt: “Năm 2022, việc nhiều hơn, yêu cầu cao hơn nhưng thu nhập lại chưa cao. Chúng ta phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, bỏ đi những việc không tạo ra giá trị, phẳng hoá bộ máy, tự động hoá các báo cáo. Ngành phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc, nhất là các công cụ dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Khác biệt căn bản nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là máy móc thay lao động trí óc của con người. 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, máy móc thay lao động chân tay. Các đầu tư của Bộ từ năm 2022 sẽ tập trung vào công nghệ số để giảm tải cho cán cán bộ công nhân viên. Việc nhiều hơn, yêu cầu cao hơn nhưng thời gian làm việc phải ít hơn”.
Kết lại bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói: “Đại dịch COVID-19 là khủng hoảng toàn cầu, khủng hoảng trăm năm một lần. Nhưng đại dịch COVID-19 cũng cho chúng ta những bài học và cơ hội trăm năm. Năm 2022 và những năm tiếp theo là thời cơ tận dụng để bứt phá vươn lên, để Việt Nam hùng cường thịnh vượng để không kẻ thù nào dám đên xâm phạm và vì thế mà được hoà bình lâu dài”.