GoTo, Grab được định giá khoảng 40 tỷ USD
Ngày 17/5, hãng gọi xe và thanh toán Gojek cùng công ty thương mại điện tử Tokopedia thông báo sáp nhập để tạo thành tập đoàn mới GoTo Group. Thương vụ này tạo ra công ty Internet lớn nhất ở đất nước đông dân thứ 4 thế giới, với các mảng kinh doanh trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ gọi xe, thanh toán số cho đến thương mại điện tử, giao hàng. Trong năm 2020, Gojek và Tokopedia thực hiện tổng cộng hơn 1,8 tỷ lượt giao dịch với tổng giá trị hơn 22 tỷ USD. 2 công ty này có tổng cộng hơn 100 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, 2 triệu tài xế đối tác tính đến cuối năm ngoái. Riêng Tokopedia có 11 triệu đối tác bán hàng.
Thương vụ sáp nhập Gojek và Tokopedia gây xôn xao Indonesia
Giá trị của giao dịch không được tiết lộ nhưng GoTo Group tuyên bố thỏa thuận này đánh dấu thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử Indonesia với mục tiêu là chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ cùng mức định giá dự kiến từ 35-40 tỷ USD.
1 tháng trước đó, Grab công khai ý định niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay với 1 công ty mua lại có hình thức đặc biệt (SPAC) là Altimeter Growth. Grab sẽ có giá trị thị trường khoảng 39,6 tỷ USD sau khi sáp nhập. Thương vụ này sẽ biến công ty gọi xe và giao đồ ăn khổng lồ trở thành kỳ lân công nghệ Đông Nam Á đầu tiên ra mắt công chúng thông qua SPAC.
Grab cho biết có khoảng 72% thị phần gọi xe tại Đông Nam Á, 50% thị phần dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến và 23% thị phần thanh toán qua ví kỹ thuật số vào năm ngoái.
Grab được định giá 39,6 tỷ USD
Mới đây, nền tảng thương mại điện tử Bukalapak vừa trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Indonesia niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, được định giá 6 tỷ USD. Trong năm 2020, Bukalapak ghi nhận doanh thu tăng 25,5% lên 93 triệu USD, tuy nhiên lỗ ròng cũng lên tới 93 triệu USD.
Bukalapak cho biết hiện có 104,9 triệu người dùng đăng ký, 70% trong số đó đến từ các thành phố nhỏ ở Indonesia. Tính trên chỉ số lượng truy cập trang web trong quý 1/2021, Bukalapak đứng ở vị thứ 3, sau Shopee và Tokopedia.
Ngôi sao sáng nhất khu vực với vốn hoá 150 tỷ USD
Xuất phát điểm là công ty phát triển và phân phối trò chơi, Sea Group hiện được định giá là tập đoàn đại chúng lớn nhất Đông Nam Á. Forrest Li, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Sea, thành lập công ty tại Singapore vào năm 2009 với tên gọi Garena - chuyên về phát triển và phân phối trò chơi. Doanh thu ổn định của Garena giúp tập đoàn ra mắt Shopee vào năm 2015 và đồng thời đổi tên tập đoàn thành Sea Group vào năm 2017. Đến năm 2020, doanh thu của Sea Group từ thương mại điện tử vượt qua doanh thu từ trò chơi.
Ngày 17/8, công ty có trụ sở ở Singapore báo cáo doanh thu 2,28 tỷ USD trong quý 2/2021, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2020. Sea Group niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York, hiện được định giá khoảng 150 tỷ USD. Là công ty niêm yết hiếm hoi tại Mỹ đại diện cho khu vực Đông Nam Á, cổ phiếu của Sea Group tăng giá hơn 7 lần kể từ đầu năm 2020.
Sea Group niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York, hiện được định giá khoảng 150 tỷ USD
Các thị trường chính của Sea gồm 6 quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc). Trong quý 2/2021, Sea cũng ra mắt các trang web thương mại điện tử ở Chile và Colombia như một phần của việc mở rộng ở thị trường châu Mỹ Latinh, sau khi công ty xuất hiện tại Brazil và Mexico. Sea không tiết lộ doanh thu cụ thể theo khu vực địa lý nhưng việc thâm nhập vào các thị trường mới có thể làm tăng thêm chi phí.
Trước khi Sea Group xuất hiện, ngành công nghệ Indonesia ở trong thế kiềng 3 chân với sự cạnh tranh giữa 3 startup kỳ lân được định giá trên 1 tỷ USD gồm Tokopedia, Gojek và Grab. Trong khi Gojek và Grab khởi điểm với dịch vụ vận chuyển, giao đồ ăn, thanh toán kỹ thuật số thì Tokopedia là nhà tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhưng sự xuất hiện của Sea Group phá vỡ bố cục này, không chỉ ở riêng Indonesia mà trên toàn Đông Nam Á. Tại Indonesia, những thương vụ sáp nhập diễn ra để giúp tăng sức cạnh tranh với Sea Group. Tại Thái Lan và Philippines, Shopee vượt qua cả Lazada có Alibaba hậu thuẫn để trở thành trang web được truy cập nhiều nhất 2 quý giữa năm 2020.
Kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam với định giá chỉ 2-3 tỷ USD
Tập đoàn VNG - đơn vị sở hữu ứng dụng nhắn tin Zalo đang cân nhắc kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với 1 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỷ USD.
Trước đó, VNG xem xét tiềm năng niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2017. Những áp lực cạnh tranh tăng mạnh gần đây ở Đông Nam Á được coi là động lực để VNG và nhiều tập đoàn công nghệ trong khu vực liên tục công khai ý định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ để có thêm vốn cho hoạt động đầu tư.
Trong đó, công ty bất động sản trực tuyến của Singapore PropertyGuru Pte đồng ý thoả thuận SPAC trị giá 1,8 tỷ USD vào tháng 7. Traveloka của Indonesia cũng đang đàm phán để gây quỹ niêm yết thông qua sáp nhập. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam, hãng xe VinFast cũng đang có những động thái để tiến hành niêm yết tại Mỹ.
VNG muốn niêm yết tại Mỹ thông qua thoả thuận mua bán sáp nhập
Nếu đạt được thoả thuận SPAC, VNG sẽ là công ty mới nhất tại Đông Nam Á góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp muốn niêm yết tại Mỹ thông qua thoả thuận mua bán, sáp nhập.
Xuất thân là công ty phát triển game được thành lập vào năm 2004, các sản phẩm của VNG tiếp cận hơn 80 triệu người dùng. Lĩnh vực trò chơi của VNG phát triển, công ty xuất bản nhiều tựa game của riêng mình cũng như các phiên bản địa phương của những game đình đám thế giới như PUBG Mobile. VNG đang vận hành ứng dụng nhắn tin Zalo và ví điện tử ZaloPay, cũng như điện toán đám mây và các dịch vụ truyền thông khác. Trên báo cáo thường niên 2020, VNG đang đầu tư cho 20 công ty thành viên.
Trong quý gần nhất, doanh thu thuần của VNG đạt 2.018 tỷ đồng và lãi sau thuế 247 tỷ đồng, tăng lần lượt 30,5% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lãi theo quý cao nhất của VNG từ quý 1/2017. Năm 2021, VNG đặt mục tiêu doanh thu 7.609 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ âm 619 tỷ đồng.