Chính quyền Trung Quốc “chia để trị”
Các cơ quan quản lý Trung Quốc muốn chia tách Alipay, siêu ứng dụng hơn 1 tỷ người dùng thuộc sở hữu của Tập đoàn Ant của Jack Ma và tạo ra 1 công ty riêng cho hoạt động kinh doanh các khoản cho vay có lợi nhuận cao. Trước đó, Ant Group được yêu cầu tách riêng 2 mảng kinh doanh cho vay Huabei và Jiebei ra khỏi tập đoàn. Ngoài ra, nhà chức trách cũng yêu cầu công ty phải thu hút thêm các cổ đông bên ngoài.
Kế hoạch lần này của chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu Ant Group chuyển dữ liệu người dùng cho 1 liên doanh chấm điểm tín dụng mới có sở hữu nhà nước. Động thái này nhằm chấm dứt sự độc quyền của các công ty công nghệ lớn, đặc biệt trong việc kiểm soát dữ liệu người dùng.
Alipay là dịch vụ thanh toán trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc
Ant đấu tranh với các nhà quản lý để giành quyền kiểm soát liên doanh chấm điểm tín dụng mới nhưng theo thỏa thuận đạt được, các công ty nhà nước, bao gồm Tập đoàn Đầu tư Du lịch Chiết Giang sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần. Việc thiết lập liên doanh mới buộc Ant Group phải chờ đợi ý kiến chính quyền khi đưa ra quyết định quan trọng. Vì thế, tập đoàn của Jack Ma cũng mất khả năng đánh giá độc lập mức độ tín nhiệm của người vay. Điều này có thể làm chậm hoạt động kinh doanh cho vay của Ant Group vốn đang phát triển thần tốc.
Trong nửa đầu năm 2020, dịch vụ cho vay của Ant Group là CreditTech, bao gồm Huabei và Jiebei, đóng góp 39% doanh thu cho tập đoàn. Năm ngoái, CreditTech chiếm tới 10% khoản cho vay tiêu dùng không thế chấp của đất nước đông dân nhất thế giới. Quy mô mảng này của Ant Group quá lớn khiến các cơ quan quản lý lo ngại về rủi ro tài chính.
Động thái tăng cường kiểm soát độc quyền của Chính phủ Trung Quốc với Ant Group khiến cổ phiếu của tập đoàn “mẹ” Alibaba giảm 5,9% trong phiên giao dịch tại Hong Kong ngày 13/9.
Các tập đoàn công nghệ lớn bị Trung Quốc “nắn gân”
Trước đó, Alibaba Group Holding của tỷ phú Jack Ma cũng chịu ảnh hưởng nặng nề sau những quyết định kiểm soát từ chính quyền Trung Quốc. Trong danh sách 10 công ty có giá trị thị trường cao nhất Đông Á, Alibaba từ vị trí thứ 2 tụt xuống thứ 3 khi giảm 32% giá trị xuống còn 440,6 tỷ USD.
1 tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc cũng lao dốc vì những chính sách thắt chặt quản lý của Bắc Kinh trong giai đoạn từ cuối năm 2020 đến cuối tháng 8 năm nay là Tencent Holdings. Vốn hóa thị trường của Tencent vào ngày 30/8 giảm khoảng 20% so với cuối năm 2020. Con số 574,3 tỷ USD giá trị thị trường vẫn giúp tập đoàn Trung Quốc đứng số 1 trong top 10 công ty lớn nhất Đông Á nhưng vị trí của Tencent bị lung lay khi tập đoàn TSMC (Đài Loan) tăng trưởng với tốc độ 15% để tiến sát.
2 tập đoàn công nghệ lớn là Alibaba và Tencent chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách quản lý của chính quyền
Theo thống kê của Nikkei Asia, vốn hóa thị trường chung của 2 ông lớn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Alibaba và Tencent giảm 330 tỷ USD từ cuối năm ngoái. Giá cổ phiếu của 2 hãng cũng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Trong năm 2020, có thời điểm Tencent và Alibaba gần như đuổi kịp giá trị thị trường của Apple và Amazon.
2 tập đoàn này đều là “nạn nhân” của các vụ phạt tiền chống độc quyền cũng như các chính sách cứng rắn về niêm yết, độc quyền, quản lý dữ liệu người dùng do chính phủ ban hành.