Các điều kiện để lọt vào danh sách gồm có trụ sở chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được thành lập ít nhất một năm, do tư nhân sở hữu, hoạt động vì lợi nhuận, có doanh thu hàng năm gần nhất hoặc tổng vốn huy động không quá 20 triệu USD tính đến ngày 1/8.
Hoozing
Hoozing là startup trong lĩnh vực bất động sản được thành lập từ năm 2015. Ứng dụng của Hoozing cho phép người dùng sử dụng các công cụ để tính giá và thanh toán online để tăng tốc độ bán và cho thuê bất động sản. Theo CEO Lê Huỳnh Nhựt Hải, dù đại dịch xảy ra, Hoozing vẫn đạt doanh thu khoảng 1,1 triệu USD trong năm 2020. Công ty dự kiến có lãi vào cuối năm nay với doanh thu tăng lên 2 triệu USD.
Trên cổng thông tin của công ty, Hoozing cho biết startup được hình thành với sứ mệnh xây dựng thị trường bất động sản minh bạch và thúc đẩy giao dịch diễn ra dễ dàng, nhanh chóng. Sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng, hệ thống vận hành kinh doanh bất động sản của Hoozing kết nối, giao dịch với hơn 10.000 môi giới trên thị trường.
Logivan
Logivan là nền tảng cung cấp dịch vụ kết nối chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hoá liên tỉnh, vận chuyển Bắc - Nam tới mạng lưới các đối tác vận tải di chuyển chiều về rỗng từ chuyến giao hàng trước đó.
Bằng việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo với các thuật toán báo giá, theo dõi hành trình…, Logivan cải thiện đáng kể hoạt động vận tải của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam. Startup này hiện có hơn 60.000 tài xế làm việc với nhiều khách hàng lớn, trong đó có Coca-Cola, Olam và Wilmar. Logivan huy động được 8 triệu USD từ một số nhà đầu tư, bao gồm Insignia Ventures Partners và K3 Ventures.
Lozi
Startup Lozi, công ty sở hữu dịch vụ giao đồ ăn Loship cũng là đại diện của Việt Nam nằm trong top 100 công ty nhỏ và startup nổi bật của châu Á.
Được thành lập vào năm 2013, Lozi ban đầu là ứng dụng giúp người dùng tìm thấy thực phẩm, đồ uống và các cửa hàng cà phê. Năm 2015, công ty gọi vốn thành công 1 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate và tập đoàn truyền thông Internet của Nhật Bản tên là DesignOne. Sau đó, Lozi chuyển đổi sang mô hình thương mại điện tử kết nối khách hàng với khách hàng và mở rộng sang mảng giao hàng liên thành phố với ứng dụng Loship vào năm 2017.
Loship đang trở thành đối thủ của nhiều ông lớn như GoTo hay Grab bằng chiến lược giao bất cứ thứ gì, từ đồ ăn đến nguyên liệu, thực phẩm và hành khách… trong 1 giờ. Loship hiện có mặt ở hầu khắp các thành phố lớn của Việt Nam. Startup này cũng mới huy động được 16 triệu USD để mở rộng dịch vụ.
Med247
Startup y tế Med247 hoạt động theo mô hình O2O (online to offline), hiện tại vận hành phòng khám riêng và tích hợp các công nghệ giúp bệnh nhân kiểm soát hồ sơ y tế, đặt lịch hiện với bác sĩ và nhận tư vấn sức khoẻ.
Công ty khởi nghiệp này đang điều hành chuỗi phòng khám gia đình và ra mắt dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa vào tháng 12/2019. Trong bối cảnh đại dịch, Med247 cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa miễn phí cho bệnh nhân có nhu cầu từ tháng 7 năm ngoái. Công ty cho biết huy động được 1 triệu USD, nhằm mục đích mở rộng quy mô thông qua quan hệ đối tác.
Trong số 17 quốc gia và vùng lãnh thổ có đại diện, Ấn Độ đóng góp 22 cái tên, Singapore có 19. Hong Kong và Indonesia đóng góp lần lượt 10 và 8 công ty. Dù có nhiều công ty khởi nghiệp phát triển, Trung Quốc chỉ có 4 đại diện trong danh sách này. Nguyên nhân là các ứng viên vượt quá yêu cầu tối đa về doanh thu hoặc nguồn vốn huy động được theo yêu cầu của tạp chí.
Sau khi vượt qua các tiêu chí này, Forbes sẽ tiếp tục đánh giá các công ty qua các chỉ số như tác động tích cực đến khu vực hoặc ngành, tốc độ tăng trưởng doanh thu, khả năng thu hút vốn đầu tư, mô hình kinh doanh, tiềm năng thị trường và một câu chuyện thuyết phục đủ hấp dẫn.