Trong những năm gần đây 'chuyển đổi số' là từ khóa đã liên tục được nhắc đến và ngày càng được đề cập nhiều hơn từ cấp độ doanh nghiệp cho tới bộ ngành, quốc gia. Câu chuyện về 'chuyển đổi số' ở Việt Nam trở nên sôi động hơn kể từ thời điểm giữa năm 2020, khi Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, và đặc biệt 'nóng' khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ trên phạm vi toàn cầu.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, trong 2 năm vừa qua đại dịch cũng đã mang lại sự thay đổi tích cực là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, quốc gia.
Tại Talk show Nguy Cơ tối 26/8, PGS.TS Phan Toàn Thắng - Nhà sáng lập, Giám đốc nghiên cứu khoa học của Tập đoàn CellResearch (Singapore) và bà Tiêu Yến Trinh - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn nhân sự Talentnet đã có những chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số với mỗi doanh nghiệp từ góc nhìn, trải nghiệm cá nhân.
COVID-19 giúp rút ngắn quá trình chuyển đổi số tới... 10 năm
Nói về sự thần tốc đang diễn ra với chuyển đổi số, bà Tiêu Yến Trinh dẫn một thống kê, nếu so giai đoạn 2020-2021 với giai đoạn 2017-2019 thì quá trình này nhanh hơn 10 năm ở khu vực châu Á, và nhanh hơn 7 năm trên toàn cầu.
Riêng với Việt Nam, nhìn chung các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đều đang có xu hướng kết nối lại với nhau và tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số rất nhiều. Điều này diễn ra không chỉ riêng lẻ trong từng ngành, từng bộ phận mà là sự thay đổi mang tính tổng thể trong toàn bộ hệ sinh thái của doanh nghiệp và xã hội.
Lấy ví dụ ngay từ hoạt động của doanh nghiệp mình, với lĩnh vực nhân sự, bà Trinh cho biết đặc thù đây là ngành làm về con người, kết nối với con người rất nhiều thì bây giờ đã có nhiều thay đổi trong mô hình kinh doanh.
Cụ thể, để mở rộng và đưa quản trị nhân sự thành ngành mũi nhọn, bà Yến Trinh đã mở thêm một nhánh mới là HR Tech Solution - các giải pháp về công nghệ dành cho quản trị nguồn nhân lực và tự tin đây sẽ là lĩnh vực tương lai của ngành.
Đầu tiên, bà nhận định doanh nghiệp cần chú ý đến thay đổi về cơ cấu tổ chức, đồng thời tham gia vào nhiều dự án để linh hoạt hơn trong khâu điều phối nhân sự và phát triển sản phẩm mới.
Tiếp đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nội bộ, thay vì đi theo lối mòn là làm việc tại văn phòng toàn thời gian, chúng ta hoàn toàn có thể số hóa cho nhân sự làm việc tại nhà.
Thứ ba là vấn đề đầu tư trong nội bộ. Trước đây khi mọi thứ diễn ra chủ yếu bằng tay và nhân viên phải đến văn phòng. Tuy nhiên, hiện giờ 100% nhân viên của văn phòng bà làm việc tại nhà. Trong đó, tất cả hệ thống chuyển lương đều là số hóa, tự động trong khi vẫn bảo đảm được tính bảo mật và an toàn cao.
Bà Trinh lấy ví dụ, công ty Talentnet đến nay đã phát triển được hệ thống tự động hóa ERP PEOPLE STRONG được bảo mật tuyệt đối và thử nghiệm cho nhân sự công ty trước khi ra mắt khách hàng. Nhờ hệ thống này, doanh nghiệp đã thay đổ được cách tiếp cận về quy trình hệ thống, trong đó giải quyết được vấn đề về thời gian và nguồn lực kinh tế, để có thể hoạt động hiệu quả hơn và tự động hóa nhiều hơn.
Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm hành trình chuyển đổi số, ông Thắng cho biết, quá trình này và đặc biệt là ở ngành của ông, là phát triển công nghệ sinh học, cụ thể là nghiên cứu về tế bào gốc tại Singapore đã diễn ra từ rất sớm. Và đây hoàn toàn không phải là chủ đề mới. 'Quá trình này ở Singapore cũng đã gặt hái được nhiều thành công trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu', ông Thắng nhấn mạnh.
Kế đến, doanh nghiệp của ông Thắng vận hành toàn cầu nên bài toán về quản trị nhân sự luôn phải đi kèm với chuyển đổi số và tự động hóa đa quốc gia, từ khâu thanh toán lương, đào tạo khoa học công nghệ, thử nghiệm lâm sàng, bản quyền công nghệ…
Ông Thắng lấy ví dụ, với vấn đề thanh toán quốc tế, thực nghiệm lâm sàng do các nhân sự bên Mỹ phụ trách. Trong khi đó, luật sư về bản quyền thì ngồi tại Đức. Hay đội digital marketing thì người làm việc ở Hong Kong, người lại ở Philippines...
Ông Thắng cho biết, khi COVID diễn ra, có một thay đổi quan trọng là toàn bộ hoạt động giảng dạy được số hóa và diễn ra online. Với đặc điểm của lĩnh vực khoa học thì gần như không phải đến một quốc gia, một địa điểm nào cụ thể mà chúng ta hoàn toàn có thể làm online được.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng khẳng định, yếu tố tương tác giữa con người vẫn cần thiết. Ngành nghiên cứu tế bào gốc vẫn luôn đòi hỏi nhân viên phải đến phòng nghiên cứu, hoặc một cơ sở thí nghiệm vì không thể thực hiện tại nhà và không thể miễn trừ hoàn toàn.
Đồng thời, vị này nhận định, khi hành vi người dùng đã thay đổi, cả hệ sinh thái doanh nghiệp toàn cầu cũng thay đổi và tiếp theo đó là sự tăng trưởng của thương mại điện tử và ví điện tử, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi số để không bị bỏ lại sau lưng.
Kết quả quan trọng hơn nỗ lực
Chia sẻ về trải nghiệm một lần làm việc với Viện quản trị Singapore, bà Trinh cho biết, trung tâm chuyên đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và quản lý cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Singapore này có điểm rất đặc biệt. Trong đó, Chính phủ Singapore sẽ tài trợ một phần kinh phí cho đào tạo, doanh nghiệp bỏ một phần kinh phí còn lại, tiến tới phổ cập cho cả đất nước.
Đây cũng là điều bà Trinh thấy ấn tượng và muốn kiến nghị với Chính phủ để có thể phổ cập được kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho nhiều đối tượng. Đặc biệt là lan tỏa được trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi nhóm này rất cần sự đồng hành, hỗ trợ để mở rộng và phát triển.
Quay lại với câu chuyện về chiến lược chuyển đổi số trong mỗi doanh nghiệp, bà Trinh nhấn mạnh một yếu tố là: 'đưa hiệu suất của công ty đến gần với hiệu suất nhân viên hơn'. Điều này có nghĩa là: 'ĐẶT KẾT QUẢ QUAN TRỌNG HƠN NỖ LỰC'.
Nếu chuyển đổi số mà không đưa được vào văn hóa doanh nghiệp và coi đó như một công cuộc lột xác thì doanh nghiệp có đưa vào hệ thống tốt nhất cũng không ứng dụng được.Bà Tiêu Yến Trinh - CEO Công ty tư vấn nhân sự Talentnet
Lý giải điều này, bà Trinh cho rằng mọi sự đo lường đều cần dựa trên kết quả. Lấy ví dụ, trước đây nhân viên làm việc ở văn phòng 8 tiếng thì mình coi nhân viên làm việc đủ thời gian chưa, có đúng giờ không? Bây giờ là quản trị từ xa, để mình xây dựng hệ thống KPI, OKR, do đó tất cả quản trị về hiệu quả đều cần được xét lại.
'Quá trình quản trị này thay đổi hoàn toàn về hiệu suất và năng suất và những khía cạnh đầu ra, do đó doanh nghiệp sẽ tập trung về đầu ra nhiều hơn là hoạt động', bà Trinh nhấn mạnh.
Tiếp đó, bà Trinh nêu một điểm quan trọng khác mà doanh nghiệp cần chú ý là 'tập trung và cải thiện trải nghiệm của nhân viên'. Trong đó, tận dụng đưa HR Tech/Quản trị công nghệ vào tất cả các 'điểm chạm' này, từ tuyển dụng cho đến đào tạo online, đánh giá hiệu quả nhân viên cho đến quản trị lớp nhân tài kế cận, người kế thừa.
Điểm cuối cùng, bà Trinh đánh giá yếu tố văn hóa niềm tin, văn hóa sáng tạo trong mỗi doanh nghiệp tạo nên cái 'chất' cho chuyển đổi số.
'Nếu chuyển đổi số mà không đưa được vào văn hóa doanh nghiệp và coi đó như một công cuộc lột xác thì doanh nghiệp có đưa vào hệ thống tốt nhất cũng không ứng dụng được', bà Trinh nói.
Chuyển đổi số cũng chính là chuyển đổi con người
Bàn về câu chuyện nhân sự, ông Toàn Thắng cho biết, doanh nghiệp trong thời đại mới đã có thể nhìn rộng ra về việc sử dụng lao động toàn cầu.
Do đó, theo ông Thắng, để có thể trở thành 'công dân toàn cầu', nhân sự ngày nay cần phải có kiến thức nền và vốn tiếng Anh vững chắc để có thể tiếp cận và hòa nhập vào làn sóng chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Lấy ví dụ ngay tại Singapore - nơi ông Thắng sống và làm việc, quốc gia này là một trong những lá cờ đầu chuyển đổi số thành công và đa số doanh nghiệp đã có nguồn nhân lực quốc tế. Tại một thị trường giàu tính cạnh tranh như Singapore, việc học hỏi và tạo lập kỹ năng luôn cần thiết. Đồng thời, điều này cũng được thực hiện trực tuyến và dễ tiếp cận.
Đồng quan điểm với ông Thắng, bà Trinh bổ sung rằng kỹ năng tiếng Anh nên song hành với kỹ thuật số. Nguồn nhân lực trẻ trong tương lai sẽ cạnh tranh nhau trong khả năng sử dụng tiếng Anh và kỹ năng số để sống còn, tìm lấy cơ hội trong muôn vàn thách thức ở tương lai.
'Am hiểu công nghệ, thành thạo tiếng Anh, kỹ năng truyền thông và tư duy phân tích là những yếu tố tiệm cận sự hoàn hảo để đưa đội ngũ doanh nghiệp tiến xa ra thị trường toàn cầu', bà Trinh nói.
Ngày 3/6/2020, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030 và coi năm 2020 là Năm chuyển đổi số quốc gia. Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ tiếp tục chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp mà các bộ ngành, địa phương phải thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2021, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. |