Đối với hầu hết những bệnh nhân được trị liệu tâm lý thông qua biện pháp này, hiệu quả kéo dài đến hơn 6 tháng. Chúng ta điều biết tâm lý là một vấn đề rất quan trọng trong điều trị ung thư cũng như nhiều căn bệnh khác. Từng có không ít trường hợp bệnh nhân có thể hoàn toàn đẩy lùi ung thư nhờ một lối sống lạc quan và lành mạnh sau khi họ được chẩn đoán mắc căn bệnh gần như là “án tử” này. Do đó, giải pháp trị liệu tâm lý mới chắc chắn sẽ thắp lên hy vọng cho nhiều người.
Psilocybin bị xem như một dạng ma túy và bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng những lợi ích tiềm năng của chúng khiến các nhà nghiên cứu không thể không thực hiện thêm các phân tích về chất hóa học này. Một vài nghiên cứu cũng đang được tiến hành nhằm cho ra đời các phương pháp điều trị chứng nghiện rượu, thuốc phiện, trầm cảm hay lo âu. Những người sau khi biết mình bị ung thư thường bắt đầu phát triển các triệu chứng mãn tính của bệnh trầm cảm, lo âu, và thuốc chống trầm cảm được cho là có thể giúp đỡ phần nào. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng psilocybin có thể là một sự thay thế.
Để xác minh điều này, một nhóm các chuyên gia đến từ Đại học Johns Hopkins và Trung tâm y tế NYU Langone (Mỹ) đã thực hiện hai thử nghiệm liên quan đến 80 người bị ung thư và các triệu chứng của bệnh trầm cảm hay lo âu. Trong một thử nghiệm, mỗi tình nguyện viên sẽ tham gia vào một buổi trị liệu tâm lý hoặc sử dụng một liều psilocybin nồng độ cao, hoặc một liều giả dược (psilocybin nồng độ thấp). Khoảng 5-7 tuần sau họ tham gia vào một phiên điều trị tâm lý thứ 2, kết hợp cùng với loại thuốc khác. Trong khi đó, thử nghiệm thứ 2 cũng được triển khai theo cách tương tự, ngoại trừ việc sử dụng Vitamin B3 như một loại giả dược.
Trong mỗi phiên trị liệu, các bệnh nhân được ngồi lên một cái ghế dài, đeo miếng che mắt và nghe nhạc. Ngồi cạnh đó là 2 nhà nghiên cứu, những người thúc đẩy họ tập trung chú ý đến những trải nghiệm nội tâm của mình. Để đánh giá phản ứng của các tình nguyện viên, thử nghiệm diễn ra kèm theo đó là một loạt các biện pháp tâm lý và sinh lý khác nhau, bao gồm huyết áp, nhịp tim và kiểm tra lâm sàng qua các bảng khảo sát. Những bảng thăm dò này được thực hiện trước mỗi phiên trị liệu. Vào buổi trị liệu cuối, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bệnh nhân được mời đến để đánh giá về tâm lý của bệnh nhân.
Kết quả qua 2 thử nghiệm riêng biệt cho thấy psilocybin gần như ngay lập tức có thể giảm các triệu chứng trầm cảm, lo âu hay hoảng sợ, đồng thời cải thiện nhận thức về ý nghĩa cuộc sống, chấp nhận cái chết và lạc quan hơn. Những lợi ích này hiện diện ở 80% những người tham gia sau 6 tháng. “Sau khi trải qua quá trình này, mọi người đều cảm thấy như họ đã học được điều gì đó mang ý nghĩa sâu sắc và mang lại giá trị cho họ”, Roland Griffiths, người đứng đầu cuộc thử nghiệm ở Hopkins cho biết. 'Họ thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống và tương tác với mọi người”.
Trong cả 2 cuộc thử nghiệm, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận, mặc dù vẫn có một số trường hợp bị buồn nôn, đau đầu và cảm thấy lo lắng nhưng chỉ thoáng qua. Những kết quả thu được giúp cho thử nghiệm mới này trở thành một trong những thử nghiệm lớn nhất về tác dụng của psilocybin đến việc điều trị trầm cảm và lo âu từng được thực hiện.
Mặc dù vậy, Stephen Ross, nhà khoa học dẫn đầu thử nghiệm ở NYU Langone thừa nhận vẫn cần thêm các nghiên cứu, được thực hiện trên quy mô rộng hơn, với sự tham gia của nhiều đối tượng hơn, nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của psilocybin, trước khi ghi tên nó vào các toa thuốc điều trị trầm cảm dành cho bệnh nhân bị ung thư.
Nguồn: NewScientist