Được phóng lên vào năm 2011, trạm vũ trụ Tiangong-1 thể hiện cái gọi là 'biểu tượng chính trị mạnh mẽ' của Trung Quốc, một phần trong nỗ lực trở thành cường quốc về khoa học vũ trụ của quốc gia có hơn 1 tỷ dân này.
Đã có nhiều sứ mệnh khác nhau được thực hiện với trạm không gian Thiên cung 1, nổi bật nhất chính là sự kiện phi hành gia nữ đầu tiên của Trung Quốc - Liu Yang được phóng lên đó vào năm 2012. Tuy nhiên vào năm 2016, trải qua nhiều tháng phân tích, các chuyên gia của Trung Quốc xác nhận họ đã mất quyền kiểm soát với dự đoán trạm sẽ quay về Trái Đất theo cách không ai mong muốn vào cuối năm 2017 hoặc đầu 2018. Cơ quan vũ trụ Trung Quốc thông báo cho Liên Hiệp Quốc biết họ kỳ vọng Tiangong-1 sẽ va chạm với Trái Đất trong giai đoạn từ giữa tháng 10/2017 đến tháng 4/2018.
Ảnh: Universetoday
Kể từ đó đến nay, độ cao quỹ đạo của trạm vũ trụ này đã giảm một cách đều đặn. Trong vài tuần trở lại đây, khi Tiangong-1 bắt đầu xâm nhập vào vùng khí quyển của Trái Đất, tốc độ rơi trở nên nhanh hơn bao giờ hết. 'Điểm gần Trái Đất trong quỹ đạo của nó giờ đây nằm dưới mức 300 km, trong một bầu khí quyển dày đặc hơn nên tốc độ rơi cũng cao hơn', Jonathan McDowell, nhà nghiên cứu vật lý thiên văn nổi tiếng đến từ Đại học Harvard cho biết.
'Tôi nghĩ nó sẽ rơi xuống trong vài tháng nữa - cuối năm 2017 hoặc đầu 2018'. Mặc dù phần lớn trạm vũ trụ sẽ bị đốt cháy trong bầu khí quyển, tuy nhiên một số bộ phận nặng tới 100 kg vẫn có khả năng va chạm với bề mặt, McDowell cảnh báo. Xác suất để những mảnh vụ của Tiangong-1 gây tổn thương cho con người là rất thấp, nhưng trong tháng 5 vừa qua, Trung Quốc nói với Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Sử dụng Không gian Hoà bình rằng họ sẽ giám sát chặt chẽ vị trí của trạm và thông báo ngay cho Liên Hiệp Quốc biết khi nó giảm độ cao lần cuối.
Dự đoán vị trí mà Tiangong-1 sẽ rơi xuống là điều không thể, ngay cả trong vài ngày trước khi nó 'hạ cánh', theo McDowell. 'Bạn thực sự không thể kiểm soát tình hình', ông từng cho biết vào năm 2016. Chỉ một vài thay đổi nhỏ về điều kiện khí quyển cũng có thể khiến cho vị trí rơi của trạm chuyển 'từ lục địa này sang lục địa khác'.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên một sản phẩm khám phá không gian của con người bị mất kiểm soát và rơi trở về Trái Đất. Tuy nhiên, chưa từng có báo cáo về thương tích sau những vụ việc như vậy. Năm 1991, trạm vũ trụ Salyut 7 nặng 20 tấn của Liên Xô đâm xuống Trái Đất khi vẫn đang kết nối với một tàu vũ trụ 20 tấn tên Cosmos 1686. Nó bốc cháy và tạo thành nhiều mảnh vỡ trên bầu trời thị trấn Capitán Bermúdez (Argentina). Năm 1979, trạm không gian Skylab nặng 77 tấn của NASA cũng lao về Trái Đất trong trạng thái mất kiểm soát, vài mảnh vỡ lớn rơi xuống vùng ngoài ô thành phố Perth (Úc).
Theo: The Guardian, Ảnh minh họa: Universetoday