Nhiều quốc gia châu Âu được cho sẽ hứng “mưa lửa” khi trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc đâm xuống Trái đất vào đầu năm tới.
Hãng tin RT ngày 8/11 cho biết Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) hiện đã khoanh vùng các địa điểm mà mảnh vỡ của Thiên Cung 1 có thể rơi xuống. Trong số này, một số quốc gia châu Âu có thể sẽ hứng “mưa lửa”.
ESA sẽ dẫn đầu một chiến dịch quốc tế gồm tổng cộng 13 cơ quan vũ trụ trên thế giới để theo dõi trạm vũ trụ Thiên Cung 1. Trạm này đã bắt đầu giai đoạn cuối cùng đâm xuống Trái đất. Phần lớn trạm vũ trụ sẽ bốc cháy khi rơi vào khí quyển Trái đất.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 2FT1 có mang theo trạm vũ trụ Thiên Cung 1 được phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc vào ngày 29/9/2011. (Ảnh: TÂN HOA XÃ).
“Căn cứ vào quỹ đạo di chuyển của trạm, chúng ta có thể loại trừ khả năng các mảnh vỡ sẽ rơi xuống những điểm nằm ngoài 43 độ vĩ bắc và 43 độ vĩ nam” – Holger Krag, người đứng đầu Văn phòng mảnh vỡ vũ trụ của ESA, nói trong một thông cáo của ESA đầu tuần này.
Dự đoán này cho thấy Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Bulgaria và Hy Lạp có thể sẽ hứng “mưa lửa” nếu các mảnh vỡ lớn của trạm Thiên Cung không bị phá hủy khi đi vào khí quyển và sau đó rơi xuống khu vực châu Âu.
Tuy nhiên, ESA trấn an: “Trong lịch sử của ngành vũ trụ, chưa từng có thương vong nào do mảnh vỡ vũ trụ gây ra được ghi nhận”. Theo đánh giá của ESA, trạm Thiên Cung 1 có thể sẽ rơi xuống Trái đất vào giữa tháng 1 và tháng 3 của năm 2018.
Trước đó, Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng của ĐH Harvard, cho biết điểm gần Trái đất của trạm Thiên Cung hiện dưới 300 km và trong tầng nhiệt quyển. Nhiệt độ của tầng này khoảng 3.000-4.000 độ C. Vì thế, tỉ lệ phân rã của Thiên Cung 1 đang lên cao hơn.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc khăng khăng rằng các mảnh vỡ của Thiên Cung 1 sẽ gây ít nguy hiểm cho con người và tài sản. “Dựa theo tính toán và phân tích của chúng tôi, hầu hết các bộ phận của trạm vũ trụ sẽ nóng chảy khi đi vào khí quyển Trái đất” - bà Wu Ping, Phó Giám đốc Văn phòng Công nghệ Không gian Trung Quốc, nói.