Các nhà khoa học cho biết những mảnh vỡ từ trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc có thể sẽ rơi xuống Trái Đất trong vài tháng tới.
'Hiện tại, nó cách Trái Đất khoảng 300km và đang hạ xuống bầu khí quyển. Tôi cho rằng nó sẽ đâm xuống Trái Đất trong vài tháng tới, khoảng cuối năm 2017 và đầu năm 2018', ông Jonathan McDowell, nhà nghiên cứu vật lý thiên văn nổi tiếng của Đại học Havard, cho biết.
Những mảnh vỡ của Thiên Cung 1 sẽ lao vào khí quyển và đâm xuống Trái Đất. (Ảnh: Getty).
Mặc dù đa phần mảnh vỡ từ trạm vũ trụ Thiên Cung 1 sẽ bốc cháy trong không gian, một số bộ phận với khối lượng lên tới 100kg sẽ lao thẳng xuống Trái Đất.
Khả năng những mảnh vỡ này có thể gây thương tích cho con người vẫn đang được tính toán. Trung Quốc đã thông báo cho Văn phòng Hoạt động Vũ trụ của Liên Hợp Quốc (UNDOOSA) về cam kết sẽ theo dõi tình hình sát sao.
Thiên Cung 1 là trạm vũ trụ đầu tiên được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo hôm 29/9/2011. Trạm vũ trụ nặng 8,5 tấn này đã tiếp đón 2 phi hành gia và kết nối thành công với 3 tàu vũ trụ của Trung Quốc.
Thiên Cung 1 gặp trục trặc và ngừng hoạt động từ tháng 3/2016. Trạm này vẫn quay quanh quỹ đạo của Trái Đất và mất độ cao nhanh chóng, khoảng 160 m mỗi ngày.
Trước đó, UNDOOSA cảnh báo trạm vũ trụ nặng 8,5 tấn của Trung Quốc sẽ rơi xuống vị trí khoảng giữa 43 vĩ độ Bắc (vĩ độ đi qua Nam Âu) và 43 vĩ độ Nam (vĩ độ đi qua New Zealand).
Đồ họa mô phỏng quỹ đạo của trạm vũ trụ Thiên Cung 1 vào tháng 6/2013. (Đồ họa: Wikipedia).
Người dân được khuyến cáo không nên chạm vào các mảnh vụn bởi chúng có thể chứa chất ăn mòn hydrazine, hóa chất rất độc hại đối với con người. Một số mảnh vỡ của Thiên Cung 1 khi bốc cháy có thể quan sát được bằng mắt thường.
Năm 1991, trạm vũ trụ Salyut 7 của Liên Xô từng lao xuống Trái Đất. Các mảnh vỡ của nó được xác định rơi xuống Argentina, trong đó một vài mảnh thiết bị cháy dở được phát hiện ở thị trấn có tên Capitan Bermudez. Không có báo cáo thương vong được đưa ra.
Một vệ tinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mang tên Skylab cũng từng lao vào bầu khí quyển để trở về Trái Đất. Các mảnh vỡ của nó được xác định rơi trên biển Ấn Độ Dương và phía tây Australia. Một vài mảnh vỡ được phát hiện ở phía đông nam Perth, Tây Australia và một vài nơi khác.