Cách đây 3 năm, tôi đã quyết định bỏ lại công việc với mức lương không hề tồi tại ngân hàng Bank of America Merill Lynch để quay lại trường và học lên cao học. Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc khi tôi bước vào văn phòng của Giám đốc điều hành (cũng là người bạn thân thiết của tôi) và chia sẻ với ông về quyết định của mình. Sau một lúc tính toán, ông nói với tôi rằng: 'Desmond, đây chính là số tiền anh sẽ mất nếu nghỉ việc'. Tôi mỉm cười nhìn ông và nói: 'Tôi biết nhưng tôi vẫn cần phải đi'.
Xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả nên quyết định rời khỏi công ty và học lên khi con đường sự nghiệp đang rộng mở, đối với tôi, là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sau 3 năm và hôm nay, tôi có thể tự tin nói rằng tôi sẽ làm như vậy một lần nữa mà không phải do dự.
Ba năm ở Cambridge, Massachusetts, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Trong bài viết này, tôi hy vọng sẽ chia sẻ thêm cho bạn những hoạt động, tổ chức và đội nhóm mà tôi đã tham gia cũng như những bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được trong suốt thời gian học tập tại MIT và Harvard.
1. Những người tôi đã gặp là những người đặc biệt nhất
Nếu bạn hỏi tôi, điều gì đặc biệt nhất mà tôi đã gặp trong 3 năm qua, tôi sẽ nói đó là con người
Tôi đã có cơ hội tuyệt vời được học hỏi từ các giáo sư hàng đầu, bao gồm Larry Summers, Cass Sunstein và Neil Gershenfeld, trong các môn học khác nhau, từ khoa học máy tính đến khủng hoảng tài chính. Tôi đã được tham dự các hội thảo và buổi nói chuyện của Tổng thống Barack Obama, Mark Zuckerberg, Eric Schmidt, Shinzo Abe, Peter Thiel, Chelsea Clinton, Marc Andreessen, Lloyd Blankfein, Felipe Calderon, Kevin Rudd, Steven Spielberg khi họ nói về công nghệ, làm phim và chính trị. Tuy nhiên, điều tôi đánh giá cao nhất và nhớ nhất là những người mà tôi đã cùng nghiên cứu.
Người đầu tiên tôi gặp ở trường là Sean - anh bị mù. Sean đã kể cho tôi nghe câu chuyện anh đến Harvard để giúp người khuyết tật khẳng định chỗ đứng của mình trong thế giới như thế nào. Người thứ hai đó là Michael - người đã bán startup của mình – được xây dựng dưới sự hỗ trợ của quỹ đầu tư mạo hiểm Y-combinator cho Google trước khi quay lại trường học và tôi được gặp anh ấy trong một lớp học tại Trường kinh doanh Harvard. Ngoài ra còn có Ben là người tôi hướng dẫn tại MIT. Ben đến MIT khi anh chỉ mới 15 tuổi để học vật lý và vừa được nhận vào 10 chương trình đào tạo tiến sĩ mà anh đã nộp hồ sơ (cuối cùng Ben chọn Stanford). Bạn thân của tôi ở trường tên là Roberto. Anh là người đại diện ở Venezuela để cải thiện cuộc sống của những người đồng hương và mỗi ngày, chúng tôi đều cùng thảo luận về chính trị khi tập gym ở Trung tâm thể dục Malkin.
2. Học hỏi nhiều chủ đề từ khoa học máy tính, Hàn Quốc Học cho tới thiết kế sản phẩm
Lớp học yêu thích của tôi là How to make almost anything? (Làm sao để tạo ra hầu hết mọi thứ?) ở phòng thí nghiệm Meida của Đại học MIT. Tại đó, tôi đã tạo ra một máy bắn bóng rổ tự động, máy quét 3D (quét chính tôi) và máy tự lắp ráp của riêng mình (mà tôi vẫn sử dụng ngày nay).
Tôi vô cùng thích lớp học này đến nỗi tôi đã tiến hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm xung quanh chủ đề về tầm nhìn máy tính, nhận dạng khuôn mặt, thiết kế sản phẩm và tạo ra máy quét sữa tự động đầu tiên trên thế giới. Tôi cũng đã tham gia các lớp học khoa học máy tính bao gồm cả CS 50, Python, Java và các nguyên tắc cơ bản của lập trình Web.
Tại Trường kinh doanh Harvard, tôi đã học về The Online Economy (Kinh tế trực tuyến) từ Giáo sư Ben Edelman và nghiên cứu thiết kế sản phẩm dưới sự hướng dẫn của Srikant Datar. Tại HKS (Trường Quản lý nhà Nhà nước Harvard Kennedy School) , tôi đã học về chính sách công và pháp luật từ giáo sư Larry Summers, cải thiện kỹ năng giao tiếp và kĩ năng nói trước công chúng, và nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp chính trị Mỹ. Ngoài ra, tôi cũng đã học tiếng Hàn Quốc hàng ngày lúc 8 giờ 30 trong suốt hai năm liền.
Tại trường MIT Sloan, tôi đã tham gia Innovation Teams và làm việc trong các nhóm gồm các thành viên đến từ nhiều ngành, bao gồm kỹ thuật, kinh doanh và chính sách công.
Mỗi học kỳ tôi học 6-7 lớp và dàn trải nó để phù hợp với kế hoạch hàng tuần của tôi. Việc tập trung vào kiến thức hơn điểm số đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn, cho phép tôi theo đuổi những lớp học thú vị và nhiều kiến thức.
3. Tham gia vào các tổ chức, câu lạc bộ, hội nghị thú vị
Tôi may mắn được sống và là thành viên của Epsilon Theta – hội học sinh đại học ở MIT – nơi tôi làm cố vấn và hướng dẫn sinh viên chưa tốt nghiệp thuộc các ngành khoa học máy tính, vật lý và toán học.
Việc sống và làm việc cùng họ đa giúp tôi nhận ra được tầm quan trọng của người cố vấn - giống như vai trò của tôi là một cố vấn nghiên cứu sinh tại Adams House - một trong những khu sinh viên lâu đời nhất tại Đại học Harvard. Ngoài ra, tôi cũng là một người cố vấn và Ban cố vấn tại Học viện lãnh đạo tại Đại học Harvard. Nhờ trò chuyện với các sinh viên, tôi học được nhiều qua cách họ trở thành thủ khoa của trường trung học và đạt được những thành tựu khác.
Tại Harvard Graduate Students Leadership Institute (Học viện lãnh đạo dành cho các học viên cao học thuộc Đại học Harvard), tôi kết nối chặt chẽ với các bạn học ở trường Y, trường Thần học, Luật... và chúng tôi cùng nhau chia sẻ những điểm mạnh, điểm yếu và trải nghiệm cuộc sống. Là đồng sáng lập của câu lạc bộ Sinh Viên Châu Á, tôi đã lên tiếng phản đối hiện tượng phân biệt đối xử các sinh viên châu Á tại Harvard và thúc đẩy việc xây dựng những mối quan hệ bền chặt. Đồng thời trong vai trò là một thành viên của Tech for Change Leadership Summit, tôi đã có cơ hội trao đổi quan điểm của mình với Aneesh Chopra – CTO (giám đốc công nghệ) đầu tiên của Mỹ và tìm hiểu thêm về sự giao thoa giữa công nghệ và chính trị. Ngoài ra, khi là đồng chủ trì cho Hội nghị doanh nghiệp châu Á tại Trường kinh doanh Harvard, tôi cũng có dịp tham gia thảo luận về việc 'Quốc gia nào phù hợp cho việc tái tạo thung lũng Silicon ở châu Á?' (Kết luận là Singapore).
4. Biết được tôi muốn làm gì với cuộc đời duy nhất mình
Tôi bắt đầu kiếm tiền vào năm 17 tuổi, đó là công việc dạy kèm cho các em học sinh nhỏ hơn để trang trải học phí đại học. Công việc thứ hai của tôi là ở nhà hàng Thái Treehouse Cafe, nhờ đó, tôi đủ tiền cho năm cuối cấp của mình. Sau đó, tôi bước vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư tại UBS và Merrill Lynch, chịu trách nhiệm dẫn dắt các chương trình ở Singapore và Bình Nhưỡng cho Choson Exchange - một tổ chức phi lợi nhuận của Bắc Triều Tiên tập trung vào các chương trình giáo dục khởi nghiệp và kinh doanh cho giới trẻ Bắc Triều Tiên. Tôi quay trở lại trường học để tìm ra hướng đi tiếp theo của mình và tôi biết rằng đó là một quyết định mang tính khởi đầu.
Tại New York, tôi đã có cơ hội trở thành Product Manager (Trưởng phòng sản phẩm) của WeChat - một ứng dụng điện thoại di động với 700 triệu người sử dụng, trong đó tôi đã giúp tạo ra và phát triển một sản phẩm dựa trên hệ thống chat tập trung vào việc cải thiện tính tương tác cho các thương hiệu như Nike, Burberry và Toyota. Trải nghiệm làm việc này khiến tôi quan tâm sâu sắc hơn đến không gian công nghệ tiêu dùng và củng cố kiến thức của tôi trong lĩnh vực startup và đổi mới.
Tiếp theo, tôi gia nhập QuikForce - một startup trong lĩnh vực Home Services, tập trung chủ yếu vào việc đơn giản hóa quá trình chuyển nhà, dọn nhà và các dịch vụ khác. Như là một phần của chương trình ươm mầm khởi nghiệp tại Harvard Innovation Lab, chúng tôi đã mở rộng QuickForce từ Boston sang Miami và New York, trở thành cái tên nổi bật trên TechCrunch, Yahoo Finance, Boston Globe và Business News Daily. Đồng thời, tôi cũng trở thành đối tác đầu tư tại Dorm Room Fund – một quỹ đầu tư mạo hiểm có quy mô 500.000 USD tập trung vào hoạt động đầu tư tại các startup được sáng lập bởi sinh viên – những nơi mà tôi đã tìm hiểu về vốn mạo hiểm, đầu tư và khởi nghiệp. Tất cả những trải nghiệm này đã giúp tôi khẳng định rằng khởi nghiệp là con đường đúng đắn để tôi tiếp tục tiến về phía trước.
5. Duy trì sự cân đối và khỏe mạnh là điều quan trọng
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, tôi đã học được tại MIT và Harvard rằng trong số những việc phải làm hàng ngày thì giữ cho cơ thể cân đối và khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng. Bạn phải không ngừng tập luyện và duy trì thói quen đó. Trong lúc còn ở trường, tôi đã tham gia vào New York City Triathlon – nơi tôi bơi 1.5 dặm qua sông Hudson, đạp xe 26 dặm đến Bronx và đạp ngược về, chạy 6 dặm qua Central Park. Ngoài ra, tôi đã tham gia vào các giải đấu bóng rổ và cầu lông tại MIT và Harvard. Thêm nữa, mỗi buổi sáng tôi đều tập gym, chạy bộ và bơi lội.
Quả thật, thời gian tại MIT và Harvard đã thay đổi cuộc đời tôi, nhưng tôi biết cuộc hành trình này mới chỉ bắt đầu.
Cập nhật: 24/07/2016 Vân Anh - Theo LinkedIn