Ngày 27/9, tại Hội nghị Phi hành gia Quốc tế ở Adelaide, Australia, chủ tịch cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, ông Igor Komarov, cho biết họ sẽ hợp tác với NASA để xây dựng trạm vũ trụ quốc tế mang tên Deep Space Gateway trong quỹ đạo Mặt Trăng.
Ảnh mô phỏng trạm vũ trụ Deep Space Gateway trên quỹ đạo Mặt Trăng. Ảnh: NASA.
Căn cứ này sẽ hỗ trợ việc thăm dò Mặt Trăng đồng thời là điểm dừng chân ngoài không gian cho các tàu vũ trụ. Sau khi xây dựng thêm các hệ thống cần thiết, nhiều sứ mệnh khoa học bổ sung sẽ được tiến hành trong quỹ đạo và bề mặt Mặt Trăng cũng như trên Sao Hỏa, một điểm đến tương đối gần.
Roscosmos cho biết:
“Các bộ phận và thiết bị của trạm, cũng như hệ thống duy trì hoạt động sống sẽ được chế tạo dựa trên thiết kế của Nga”.
Hai tên lửa Proton-M và Angara của Nga cùng các phi thuyền khác cũng có thể được sử dụng để phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho trạm vũ trụ Mặt Trăng. Dự án sẽ được triển khai vào năm 2020.
“Trạm sẽ là một nền tảng quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi đóng vai trò chủ chốt và phải cùng nhau thực hiện sứ mệnh này”, ông Komarov cho hay.
Trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nước xoay quanh Ucraina và Syria, đây là một bước tiến mang tính biểu tượng hợp tác Mỹ – Nga về thăm dò không gian sâu, được nhiều chuyên gia hoan nghênh và tán đồng.
Trên thực tế, thăm dò vũ trụ là một trong số ít lĩnh vực hợp tác quốc tế của Nga và Mỹ không bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị giữa hai nước qua các thời kỳ. Các phi hành gia Mỹ và Nga đã cùng làm việc với nhau trên trạm vũ trụ quốc tế ISS, được đưa lên quỹ đạo Trái Đất từ năm 1998.
Quý Khải (T/H)
Sức mạnh của siêu bão Irma nhìn từ trạm vũ trụ quốc tế ISS
NASA công bố video từ trạm vũ trụ quốc tế ISS: “trái đất mong manh” ngoài không gian đẹp nghẹt thở
Truyền thông quốc tế ‘dậy sóng’ khi Trung Quốc bị phanh phui mổ cướp nội tạng