Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến ĐSĐT đầu tiên, chuẩn bị đi vào vận hành ở Hà Nội và cũng là đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Internet.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị ở Hà Nội' do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 26/9, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, việc xây dựng chính sách giá vé cũng đã được Hà Nội chuẩn bị trong vòng 3 năm, có sự tham gia của các chuyên gia Nhân Bản phối hợp cùng nhân sự Việt Nam nghiên cứu.
Công ty đã trình Thành phố phê duyệt để đưa ra giá vé vào thời điểm vận hành chính thức. Giá vé là giá được Thành phố Hà Nội trợ giá nên sẽ rất phù hợp với thu nhập người dân, đồng thời là vé điện tử theo chuẩn quốc tế, đi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Cùng với đó là nhiều thể loại vé với hình thức di chuyển linh hoạt.
“Về tổ chức bộ máy, nhân sự có 681 người được đào tạo cả trong và ngoài nước. Trong đó có 30 người không cần đào tạo thêm theo dự án. Riêng về quy định, quy trình vận hành, Công ty đã đưa ra 110 quy trình, quy định cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Đồng thời, có thể khẳng định, Thành phố đã có khoản dành riêng, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến đường sắt trên cao khi nào cần thiết”, ông Trường nhấn mạnh.
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô cần có 10 tuyến ĐSĐT, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới chỉ là 1 trong 10 tuyến và vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để kết nối hạ tầng với 9 tuyến còn lại chưa đi vào hoạt động.
Tuyến đường sắt này dự kiến sẽ vận chuyển được khoảng 1 triệu lượt khách mỗi ngày, thì việc sử dụng xe buýt trên các tuyến này sẽ được vận hành ra sao để có thể đảm bảo hài hòa giữa 2 loại hình. Lúc đó sẽ phải có một phép tính để tính toán lại mật độ xe buýt trên tuyến này cho hợp lý...
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg ngày 31/3/2016, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km. Trong đó 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông là tuyến ĐSĐT đầu tiên, chuẩn bị đi vào vận hành ở Hà Nội và cũng là đầu tiên ở Việt Nam.
Theo Báo Hải quan