Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án Đường sắt, Bộ GTVT, sáng 9/8/2018, dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông đã được đóng điện trên toàn tuyến, vận hành thử nghiệm trong thời gian từ 3-6 tháng trước khi chính thức đưa vào khai thác thương mại.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD lấy từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tuyến có chiều dài 13,1km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35km/h.
Ban Quản lý dự án cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 96% khối lượng xây lắp (chưa gồm hạng mục thiết bị) và đang triển khai các hạng mục như hoàn thiện cầu thang lên xuống các nhà ga, đường nội bộ, kiến trúc khu Depot, đấu nối thoát nước khu gian ga đường Vành đai 3. Trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, tàu điện được chạy thử không tải để căn chỉnh tổng hợp. Tùy thuộc vào kết quả chạy thử, cơ quan chức năng sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại.
Trong thời gian tàu chạy thử, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân quanh khu vực công trường và các tài sản, thiết bị đã lắp đặt của toàn dự án, Ban Quản lý dự án đã đề nghị người dân không tự ý xâm nhập vào khu vực công trường vì sự an toàn của chính người dân.
'Sau khi hoàn thành tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ tổ chức lại các tuyến buýt để có sự kết nối thuận tiện hơn. Vừa mở rộng vùng phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo điều kiện giãn, giảm bớt mật độ dân cư ra, vừa giúp giảm áp lực giao thông trên các trục đường, đặc biệt, thu hút người dân đến với giao thông công cộng' - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết.
Ngoài dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, một dự án khác là tuyến ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội do Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội) làm Chủ đầu tư với nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (BEI) và Chính phủ Pháp (DGT) cũng đã được triển khai từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2021. Các chuyên gia giao thông đều nhìn nhận, khi cả hai tuyến ĐSĐT này được vận hành sẽ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội, tạo ra một diện mạo mới, văn minh, hiện đại cho giao thông Thủ đô.