Lái xe trong thành phố đã khổ, kiếm được chỗ đỗ còn khó gấp bội.
Xây cao ốc, “quên” xây chỗ đỗ xe
Một thực tế ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM cho thấy, có quá nhiều dự án, quỹ đất dành cho bãi đậu xe đã bị “biến” thành các trung tâm thương mại, khu chung cư. Chả đâu như ở Việt Nam, phải lấy hè đường làm nơi đỗ ôtô.
Tại Hà Nội, các điểm đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của hàng trăm nghìn ôtô. Sân các cơ quan, đơn vị, thậm chí cả trường học cũng biến thành bãi đỗ xe ôtô.
Điều dễ nhận thấy là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh với nhiều khu chung cư, khách sạn, văn phòng, siêu thị, trung tâm thương mại... Tại những khu này, số lượng xe máy, ôtô ra vào rất lớn, nhưng bãi đỗ xe không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến ôtô đỗ tràn ra cả các tuyến phố chung quanh, vừa mất mỹ quan, vừa góp phần làm đường thêm chật.
Sở dĩ có tình trạng nói trên do ngay từ khi lập dự án, các chủ đầu tư chỉ chú trọng hạng mục kinh doanh mà ít quan tâm, thậm chí 'quên' hạng mục khu để xe. Đứng trên góc độ quản lý quy hoạch xây dựng, cũng chưa thấy có văn bản nào quy định rõ ràng chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng một công trình cao tầng thì phải bảo đảm được nhu cầu đỗ xe tối thiểu cho công trình đó. Cho nên, công trình thì cứ 'cao, cao mãi', song khu vực đỗ xe thì các chủ công trình luôn tìm cách 'tận dụng' các đường phố chung quanh để làm bãi đỗ.
“Mỏi mắt” tìm chỗ đỗ
Ở thời buổi “đất chật, người đông”, chỗ ở còn chẳng có huống hồ đậu xe. Nếu chỉ có xe máy thì còn đỡ, vì ít ra nó cũng không chiếm diện tích lắm, nhưng ôtô thì lại là vấn đề khác.
Không chỉ cần diện tích đậu xe, nó cũng cần có đường vào ra đủ rộng. Vì thế những người có nhà trong hẻm hoặc phố nhỏ muốn sở hữu ôtô thì trước hết phải tìm được bãi đậu xe gần nhà, và chấp nhận ngày ngày đi bộ từ nhà ra bãi và ngược lại.
Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ, cơ quan hoặc nơi công tác cũng phải có chỗ đậu xe thuận tiện. Ngoài ra, các nhà hàng, nơi mua sắm… cũng phải có chỗ đậu ôtô. Vì thế sau nỗi lo tắc đường, việc tìm được nơi đỗ xe phù hợp cũng khiến nhiều người “lao tâm khổ tứ”.
Chị Hà Thảo hiện đang sinh sống tại Tp.HCM cho biết: “Giờ làm việc của tôi là 8h, nhưng đều phải có mặt từ 7h30 để tìm chỗ đậu xe. Công ty tôi ở cuối đường Nguyễn Huệ, đôi lúc phải đậu xe ở đường Hàm Nghi hay Lê Lợi rồi lội bộ cả cây số để tới chỗ làm việc. Một khi đã tìm được chỗ đậu rồi thì coi như phải để xe nằm chết đó từ sáng đến chiều, có chuyện cần đi đâu thì taxi, grab chứ xách xe mình ra thì coi như lúc về chỉ có nước về nhà luôn, vì còn chỗ nào nữa đâu mà đỗ!”.
“Chuyện đỗ xe ở nhà, chỗ làm đã khổ, có việc gì đó đi giao dịch thì còn “nhục” hơn” – anh Nguyễn Anh Sơn (Thanh Trì, HN) kể. “Có hôm ra Ngân hàng rút tiền, đi tới dăm bảy điểm mà các điểm giao dịch nơi thì hết chỗ đỗ, nơi thì không có. Tìm được chỗ có thì kiểu gì cũng bị mấy anh, mấy chị ở đâu xưng là người của GTCC, người của phường ra thu mấy chục tiền đậu xe. Đi ôtô đúng là quá khổ”.
Không gửi xe, mất đồ tự chịu
Trước tình trạng “cầu vượt quá cung”, một số hộ gia đình có xe ôtô đã chấp nhận tình trạng “nhà một nơi, xe một nẻo” hoặc để xe ngay trên lòng đường, vỉa hè sát khuôn viên ngay khu vực các nhà chung cư.
Anh Hoàng Lân, nhà ở Bán đảo Linh Đàm cho biết: “Do bãi để xe ở xa nhà và bãi xe của khu chung cư cũng không còn chỗ gửi nên tôi bắt buộc phải để xe ở dưới chân nhà chung cư. Nhưng để dưới đó thì lo ngay ngáy vì nạn vặt đồ”.
Thời gian gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng mất cắp phụ tùng ôtô. Nhẹ thì bị mất các logo, cần gạt nước còn nặng hơn thì mất gương chiếu hậu, ốp vành xe thậm chí cả bánh xe...
Người dân sống tại các khu chung cư như Khu Pháp Vân - Tứ Hiệp, khu đô thị Văn Quán, Định Công, Việt Hưng, Mỹ Đình… cũng đều lâm vào “cảnh ngộ” bị trộm vặt đồ chỉ vì thiếu chỗ đỗ, phải đỗ xe dưới chân tòa nhà, không ai có trách nhiệm trông hay quản lý.
Tại các chung cư này, trong quá trình thiết kế và xây dựng do không tính được nhu cầu của người dân nên hầu hết đều không có tầng hầm để xe ôtô. Trong khi đó, quỹ đất dành cho việc xây bãi để xe thì hầu như lại không có. Vì vậy người dân có xe ôtô sống ở đây rơi vào tình cảnh “của ai người ấy giữ” và phải ”sống chung với trộm”.
Khó tìm chỗ đỗ, lo ngay ngáy vì mất đồ, cộng với việc phải chi phí quá nhiều để “nuôi” xe, nhiều người dân thành phố thậm chí đã quyết định “chia tay” với xế hộp, “đi xe máy cho lành”!
Nguồn : AutoBikes