Không dễ để tìm ra một bộ quy chuẩn cho một cá nhân hoàn hảo, thành đạt, hạnh phúc, có khả năng lan truyền cảm hứng tích cực tới mọi người xung quanh. Mỗi cá nhân lại là một chỉnh thể quá đỗi phức tạp, với những đặc tính riêng biệt chịu tác động của các điều kiện sống, môi trường giáo dục hoàn toàn khác nhau.
Song, những người thành đạt, hạnh phúc và được lòng quần chúng nhất không phải không có những điểm chung, và việc học hỏi từ những điểm chung ấy chẳng bao giờ là thừa cả. Kể cả khi chúng ta không nguyện ước sự hoàn hảo, tất cả đều đang nỗ lực từng ngày vì một cuộc sống ý nghĩa, tạo ra giá trị, hiệu quả và hạnh phúc hơn.
Không phải học vấn, bằng cấp hay số tiền thừa kế, mà chính những kỹ năng sống mới là nhân tố định hình cuộc đời bạn!
Dưới đây là 10 kỹ năng sống quan trọng tìm thấy ở những cá nhân ưu việt và đạt được thành công cũng như sự cân bằng trong đời sống.
1. Quản lý thời gian
Khả năng quản lý thời gian hiệu quả, hoàn thành được tốt và nhiều đầu việc trong khoảng thời gian cho phép là một kỹ năng được các nhà tuyển dụng, các vị sếp khó tính đánh giá rất cao ở nhân viên. Chìa khóa của quản lý thời gian chính là việc lập kế hoạch/ tổ chức hoạt động sao cho ăn khớp, hợp lý nhất. Quản lý thời gian tốt giúp một cá nhân không bao giờ bỏ sót việc, giảm thiểu khả năng khủng hoảng cũng như tạo nên một phong thái chuyên nghiệp, bình tĩnh, tự tin.
2. Sự cảm thông
Dù cho bạn có là một con người cực kỳ kỷ luật, thông minh sáng láng hay giàu có nhất nhì thế giới, song nếu thiếu đi lòng cảm thông, khả năng bao dung với người khác, bạn sẽ chỉ là một kẻ mang bệnh lý phản xã hội không hơn.
Sự cảm thông giống nhưng những bông hoa làm đẹp cho cuộc sống.
Sự cảm thông phản ánh khả năng thấu hiểu những cảm xúc, những diễn biến tâm lý của người xung quanh, và không chỉ giúp bạn giành được tình cảm – sự biết ơn của họ, năng lực thấu cảm đặc biệt này còn phát huy tác dụng cực kỳ to lớn nếu bạn làm trong các lĩnh vực đòi hỏi sự giao tiếp nhiều như kinh doanh hay dịch vụ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ làm việc “có tâm” thay vì chỉ chạy theo những lợi ích vật chất trong ngắn hạn, từ đó củng cố vị thế và thành công của bạn trong dài hạn.
3. Làm chủ giấc ngủ
Có lẽ bạn sẽ thấy hơi khó hiểu khi khả năng kiểm soát giấc ngủ lại được coi trọng đến thế trong hành trình tạo lập một sự nghiệp và đời sống thành công. Tuy nhiên, sức khỏe là một thành tố mang tính quyết định trong hành trình này, mà để có một sức khỏe hoàn hảo, bạn cần một thói quen ăn-ngủ hợp lý, lành mạnh.
Để yêu bản thân và sống hạnh phúc hơn, hãy bắt đầu từ giấc ngủ.
Vô số nghiên cứu cho thấy việc nỗ lực tạo lập và củng cố một chế độ ngủ khoa học sẽ giúp bạn hình thành một thói quen cực kỳ có lợi cho sức khỏe về lâu về dài. Bạn có thể tham khảo phương pháp ngủ gián đoạn của thiên tài Da Vinci hoặc kết hợp tập luyện, ăn uống để giấc ngủ sâu hơn, “chất' hơn.
4. Rèn luyện thiên hướng tích cực
Có một điều trong cuộc sống mà bạn nên biết: Thứ hạ gục bạn không phải là vận rủi, mà chính là những suy nghĩ bi quan, tiêu cực mà vận rủi đó “ám” lên bạn. Có thể bạn không thể nào thoát khỏi những điều không may mà cuộc sống ném về phía bạn, nhưng bạn luôn luôn có thể rũ bỏ bản thân khỏi nguồn năng lượng xấu bằng cách tin tưởng, nỗ lực và lạc quan.

Nghĩ tích cực, sống tích cực để hướng tới những triển vọng tươi sáng hơn.
Nếu bạn từng đọc các tài liệu, các cuốn sách viết về đề tài “Luật hấp dẫn”, bạn sẽ nhận ra con người mà bạn luôn hướng đến sẽ chính là con người mà bạn trở thành. Điều đó có nghĩa nếu bạn tin bạn sẽ thành công, bạn nghĩ đến thành công và hạnh phúc mỗi ngày (điều vô thức làm bạn vui vẻ, hăng say hơn với công việc của mình), cuối cùng thành công và hạnh phúc sẽ thực sự đến.
5. Bền bỉ không ngừng
Không thực sự nhiều người ý thức được giá trị của sự bền vững, ngay cả khi họ đã đạt được điều mình mong đợi. giống như việc bạn tập gym giảm cân, khi đã đạt được cân nặng như ý muốn, bạn dừng không tập nữa. Kết quả là chỉ sau 1 tuần lễ, cân nặng tăng vù vù và da thịt chảy nhão mất cân đối.
Thành công không nằm ở đích đến, mà trải suốt hành trình. Thành công không phải là một đỉnh cao duy nhất, phía sau thành công này còn rất nhiều thử thách, gian lao, rất nhiều điều chờ bạn tiếp tục khám phá. Đặc biệt trong môi trường làm việc, sự bền bỉ là thước đo chuẩn mực đạo đức của một người khi đã đạt tới một danh vọng mơ ước. Đừng bao giờ nghĩ mình làm sếp là được quyền “lười” nhé. Bạn sẽ phải cố gắng gấp đôi, và chỉ khi đó vị thế của bạn mới có giá trị.
6. Khi cần, đừng ngại nhờ giúp đỡ
Bên cạnh những con người “sống bám” và luôn ỷ lại vào người khác trong mọi công việc, kiểu người ngại hỏi, ngại nhờ vả hay đơn giản là quá tự tin vào bản thân cũng khó có thể thành công và thậm chí, là gây ra những tổn hại không nhỏ cho tổ chức.
Một người từng kể lại câu chuyện xin việc của mình, rằng trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi anh: Anh có chắc rằng mình là người luôn sẵn sàng đặt câu hỏi trong quá trình làm việc nếu như có khúc mắc hay không? Khá bất ngờ về câu hỏi đó, song người này vẫn khẳng định mình sẽ luôn làm như vậy. Sau này, khi được nhận vào làm, anh mới biết “người tiền nhiệm” của mình từng gây ra một tổn thất tốn kém của công ty tới cả tỷ đồng chỉ vì khăng khăng “tôi biết rõ mình đang làm gì”.
Hãy biết hỏi han, hợp tác và giúp đỡ nhau khi được nhờ đến, bởi cuộc sống này là kết nối để cùng phát triển.
7. Biết khi nào nên mở mồm, khi nào không
Và quan trọng là nếu đã biết thì đừng cố tình làm trái! Cuộc sống là một hệ môi trường phức tạp, với quá nhiều cá thể, quá nhiều thông tin, quá nhiều căng thẳng (đặc biệt trong thời đại công nghệ hôm nay).
Đôi khi, chúng ta quá bận rộn và ích kỷ để nhận biết những dấu hiệu mệt mỏi hay căng thẳng của người khác, hay những ẩn ý sâu xa âm thầm của họ. Đừng chỉ trích dai dẳng, đừng quát tháo nạt nộ, cũng đừng đem chuyện của mình đi rêu rao. Bạn không biết người ngồi đối diện mình là bạn hay thù, mang nhân cách giản đơn hay phức tạp, hay có muốn nghe bạn nói hay không.
8. Rèn luyện kỹ năng lắng nghe nghiêm túc
Khi đã học được cách kìm chế phát ngôn, bạn cũng sẽ nhận ra rằng việc lắng nghe không khó khăn như bạn tưởng. Đặt chiếc điện thoại sang bên, rời mắt khỏi màn hình máy tính, hãy nhìn về phía sếp bạn (người đang giao việc cho bạn) hay cô đồng nghiệp (người đang than thở chuyện gia đình, chồng con). Lắng nghe họ, ghi chú các thông tin để không làm hỏng việc cũng như có thêm những góc nhìn mới về cuộc sống, từ đó rèn luyện năng lực cảm thông.
Hãy tập lắng nghe, một cách thành thực nhất, mỗi ngày.
Lắng nghe cũng là một kỹ năng có thể “gây ấn tượng” với nhà tuyển dụng. Hãy nhìn thẳng vào mắt họ, bắt các ý chính, đột ngột lặp lại một ý nào đó quan trọng, và biết hỏi những câu hỏi trọng tâm. Đó là biểu hiện đầu tiên của một ứng viên thông minh, tiềm năng, nghiêm túc với công việc.
9. “Đừng chõ mũi vào chuyện của người khác”
Điều này có sự tương quan rõ rệt với lời khuyên số 7: biết khi nào nên nói, lúc nào thì không. Đừng lúc nào cũng tranh khôn, tỏ ra mình trên cơ người khác. Kể cả bạn có thực sự “khôn hơn” họ, “trên cơ” họ, họ cũng chẳng thích lắng nghe và làm theo bạn đâu!
Thêm vào đó, quá quan tâm đến công việc của người xung quanh khi không được nhờ đến có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ và chất lượng công việc của chính bạn. Hãy lo việc của mình trước, và “chỉ đưa lời khuyên khi nào được hỏi”: đó là chìa khóa vàng cho sự nghiệp thành công và những mối quan hệ đồng nghiệp bình đẳng.
10. Cẩn thận với những suy nghĩ của chính mình
“Suy nghĩ tạo nên hành động – Hành động tạo thành thói quen – Thói quen làm nên tính cách – Tính cách định hình số phận.”
Bạn đã từng nghe tới lời răn này rồi đúng không?
Hãy cẩn trọng với từng suy nghĩ của chính mình!
Bởi tất cả chúng ta đều là “sản phẩm” kết tinh từ nghĩ suy và quyết định hành động của chính mình. Bạn suy nghĩ lạc quan, bạn cố gắng làm việc chăm chỉ hơn – được sếp tán thưởng, rồi trở về nhà với gương mặt vui vẻ - được vợ con chào đón. Mỗi ngày qua như thế, dù cho có những thách thức, những sự cố, những phút giây chán chường, bạn vẫn luôn tin tưởng và nỗ lực. Cuối cùng, bạn sẽ đạt được thứ mình mong muốn: một mức lương mới, chức vụ mới hay niềm đam mê bạn kiếm tìm bấy lâu.
Ngược lại, suy nghĩ bi quan, hằn học, đổ lỗi, nghi ngờ… không thể giúp bạn tiến xa trong cuộc sống.
Tất cả mọi điều trong cuộc sống đều kết nối với nhau theo cách của riêng mình, và đó chính là bản chất nhân-quả tưởng chừng vô hình mà lại cực kỳ logic của “luật hấp dẫn”. Vậy nên, hãy làm chủ những suy nghĩ của mình, bạn nhé!
Quỳnh Anh (Theo BI/ Thế Giới Trẻ)