Một người đàn ông từng sống ẩn dật ở Nhật, giờ đang học cách tương tác và giao tiếp với những người xung quanh (Ảnh: KYODO)
Ở Nhật Bản, khoảng 541.000 người trong độ tuổi từ 15 và 39 sống ẩn dật, theo một cuộc khảo sát của chính phủ phát hành ngày 7.9.
Hikikomori là thuật ngữ Nhật Bản sử dụng để mô tả những người xa lánh xã hội. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản định nghĩa hikikomori là những người ở nhà ít nhất 6 tháng mà không hề đi học, đi làm hay tương tác với những người khác, theo Japan Times.
Trước đó, một cuộc khảo sát năm 2010 của Văn phòng Nội các Nhật Bản ghi nhận 696.000 người trẻ sống ẩn dật tại Nhật Bản.
Một cuộc khảo sát tháng 12/2015 cũng cho thấy, 35% trong số trên ở nhà ít nhất 7 năm và cũng kết luận số lượng hikikomori trong độ tuổi từ 35 - 39 đã tăng gấp đôi.
Khoảng 34,7% trong số nửa triệu người sống ẩn dật, kín đáo trong ít nhất 7 năm, 28,6 % sống như vậy trong vòng 3 đến 5 năm và 12,2% từ 4 đến 7 năm.
Theo Tamaki Saito- một bác sĩ tâm thần và chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về hiện tượng hikikomori, trạng thái hikikomori cũng tương tự như nghiện rượu và sự hỗ trợ là rất quan trọng. Trong cuốn sách của ông tên là “Hikikomori: Tuổi vị thành niên không có kết thúc”, ông phân tích các khía cạnh khác nhau liên quan đến tình trạng này.
Saito cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây ra vấn đề này là mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái, cũng như áp lực mà phụ huynh đặt lên trẻ em Nhật Bản, đặc biệt là con trai. Cha mẹ Nhật kỳ vọng rất cao vào con trai của họ, thường xuyên mâu thuẫn với nguyện vọng của đứa trẻ.
Hậu quả là, nếu đứa trẻ thất bại, nó sẽ mất hết tự tin và lòng tự trọng rồi dần dần rút lui khỏi vòng tròn xã hội. Saito nói rằng, tại Nhật Bản và nhiều nước khác, quá trình hậu công nghiệp hóa nhanh chóng đã thay đổi cấu trúc gia đình và xã hội, chính vì thế, gặp phải hiện tượng hikikomori.
Theo Dân Việt