NDĐT - Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc phối hợp các chuyên gia tiến hành triển khai việc gắn chíp điện tử cho 45 cá thể voi nhà trên địa bàn tỉnh. Nhưng với voi rừng, mặc dù đã nhiều lần đề xuất việc gắn chíp điện tử nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đàn voi nhà ở Đác Lắc sẽ được gắn chíp điện tử, tạo thuận lợi trong việc quản lý, chăm sóc và nghiên cứu.
NDĐT - Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc phối hợp các chuyên gia tiến hành triển khai việc gắn chíp điện tử cho 45 cá thể voi nhà trên địa bàn tỉnh. Nhưng với voi rừng, mặc dù đã nhiều lần đề xuất việc gắn chíp điện tử nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Gắn chíp cho voi để quản lý
Việc gắn chíp điện tử tạo thuận lợi cho việc quản lý, chăm sóc, nghiên cứu về đàn voi nhà trên địa bàn. Đàn voi sẽ được quản lý thuận lợi hơn dù chủ voi có cho, tặng hay sang nhượng người khác. Còn đối với đàn voi rừng, do chưa được quản lý và môi trường sống bị ảnh hưởng dẫn đến xung đột giữa voi rừng và con người ngày càng gia tăng.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc Huỳnh Trung Luân cho biết, mỗi con voi sẽ được lập hồ sơ thông số, gồm: Chiều cao, cân nặng, giới tính, tiểu sử bệnh… và được gắn một chíp điện tử nhỏ bằng hạt gạo vào vùng dưới da phía vai trái. Khi muốn kiểm tra cá thể voi nào đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm chỉ cần đưa máy đọc vào gần thì sẽ phản hồi lại tất cả các thông tin cần thiết về cá thể voi đó. Sau khi cấy chíp, Trung tâm sẽ cử cán bộ theo dõi và cập nhật thông tin mới vào hồ sơ sáu tháng/lần.
Hoạt động này nhằm kiểm tra việc thực hiện các điều khoản trong bản cam kết giữa chủ voi với Trung tâm và tiến hành phối hợp Chi cục Kiểm lâm xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Toàn bộ kinh phí để gắn chíp điện tử cho 45 con voi nhà trên địa bàn tỉnh Đác Lắc khoảng 90 triệu đồng, được trích từ kinh phí của Trung tâm.
Xung đột voi rừng và voi nhà ngày càng tăng
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh hiện còn 45 con, gồm 26 con đực và 19 con cái. Trong đó, voi trong độ tuổi sinh sản từ 20-40 có 25 con, hơn 40 tuổi có 20 con. Việc gắn chíp điện tử để quản lý, theo dõi đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh Đác Lắc tương đối thuận lợi, tuy nhiên, đối với đàn voi rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng xung đột giữa voi rừng và voi nhà, voi rừng với con người ngày càng tăng.
Theo điều tra giám sát voi hoang dã của Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng năm đàn voi rừng với số lượng từ 60-70 cá thể. Trong đó, khu vực Ea Súp có một đàn khoảng 30-34 cá thể, huyện Buôn Đôn có khoảng bốn đàn với số lượng từ 30- 36 cá thể. Trong các đàn voi hiện nay, số cá thể voi già chiếm đại đa số, voi non và voi trưởng thành chiếm tỷ lệ ít, số voi cái nhiều hơn voi đực. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn và phát triển bền vững voi hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, để quản lý và bảo tồn đàn voi rừng trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc đã nhiều lần đề xuất việc gắn chíp điện tử cho đàn voi rừng. Tuy vậy, do quãng đường di chuyển của voi rừng không có biên giới nên việc gắn chíp phải được sự đồng ý của Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia. Do đó, đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Trong khi đó, do tình trạng phá rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được ngăn chặn, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp ảnh hưởng đến môi trường sống và thức ăn của voi rừng. Vì thế, thời gian gần đây tình trạng xung đột giữa voi rừng và voi nhà, giữa voi rừng với con người ngày càng tăng.
Voi nhà đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc do bị voi rừng tấn công.
Giảm xung đột bằng nhiều biện pháp
Theo phân tích của Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa voi hoang dã với con người, nhưng nguyên nhân chính là do diện tích rừng bị thu hẹp, khiến môi trường sống của voi bị ảnh hưởng. Cụ thể, những năm gần đây, tình trạng dân di cư tự do, phá rừng chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người dân sản xuất nông, lâm nghiệp xen kẽ trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển và trồng các loại cây như lúa, ngô, chuối, đậu… là những thức ăn mà voi ưa thích khiến việc xung đột giữa voi và người luôn diễn ra. Đặc biệt, voi rừng bị săn bắn, sát hại ngày càng gia tăng khiến voi trở nên hung giữ, có thể tấn công người.
Trước tình trạng xung đột giữa voi rừng và voi nhà ngày càng gia tăng, Trung tâm đã gửi công văn đến các chủ voi và tổ chức, cá nhân có voi tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc voi nhà bằng cách không xích thả voi tại địa điểm voi rừng thường xuyên xuất hiện, không xích voi trong rừng vào buổi tối, đưa voi về gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ. Trong trường hợp phát hiện voi rừng về gần khu vực dân cư sinh sống, phá hoại tài sản và tấn công voi nhà cần báo ngay cho Trung tâm và chính quyền địa phương để có biện pháp xua đuổi an toàn như: Dùng lửa, tạo tiếng động... không gây hại đến voi rừng và chăm sóc điều trị cho voi nhà khi bị thương.
Ngoài ra, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, chủ rừng và nhân dân sinh sống, sản xuất gần rừng để nắm bắt thông tin di chuyển của voi rừng trên địa bàn các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M'gar và Ea H'leo để chủ động có những biện pháp ứng phó kịp thời, vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa bảo vệ đàn voi rừng không bị xâm hại.