NDĐT - Sau khi báo Nhân Dân điện tử phản ánh về việc đàn voi rừng ra phá hoại hoa màu của người dân tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, trong đó, đề cập việc tỉnh Đồng Nai và Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đầu tư, đưa vào hoạt động hàng rào điện, một trong tám hạng mục của Dự án khẩn cấp bảo tồn voi rừng với tổng kinh phí 84 tỷ đồng, nhưng voi rừng vẫn tiếp tục xuất hiện, gây xung đột giữa voi và người. Điều này, khiến dư luận hoài nghi về hiệu quả của hệ thống hàng rào điện. Ngày 2-1, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai có văn bản 872, gửi Báo Nhân Dân thường trú tại Đồng Nai phản hồi về vấn đề này.
Hệ thống hạng mục hàng rào điện tại khu vực xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Voi rừng đi men theo hàng rào điện
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, hiện nay, tuyến hàng rào điện là một trong tám nhóm giải pháp bảo tồn voi, với mục tiêu hạn chế xung đột voi và người đã xây dựng hoàn thành, vận hành ổn định. Qua đó, đã phát huy tác dụng góp phần ngăn chặn voi không thể vượt qua hàng rào, bảo vệ được tính mạng và tài sản của người dân khu vực ven rừng trải dài hơn 50 km thuộc các xã Thanh Sơn của huyện Định Quán và hai xã Phú Lý, Mã Đà của huyện Vĩnh Cửu. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 12-2017, đàn voi rừng liên tục xuất hiện tại khu vực thuộc ấp 4, ấp 5, xã Thanh Sơn, gây thiệt hại về tài sản và hoa màu, ước hàng trăm triệu đồng của 27 hộ dân.
Hệ thống hàng rào điện trị giá 84 tỷ đồng.
Quá trình hỗ trợ người dân, xua đuổi voi rừng, lực lượng chức năng ghi nhận đàn voi rừng có khoảng 10 cá thể, xuất hiện tại những khu vực chưa có hàng rào điện thuộc địa bàn ấp 4, ấp 5, xã Thanh Sơn, hoặc đi đến điểm cuối của hàng rào điện, sau đó, vòng qua địa bàn của xã Tà Lài, huyện Tân Phú vào ấp 7 của xã Thanh Sơn. Thời gian voi rừng xuất hiện chủ yếu khoảng 17 giờ đến sáng hôm sau. 'Khi có hàng rào điện, voi không thể đi qua hàng rào mà đàn voi trên đi men theo phía trong hàng rào, đến cuối hàng rào tiếp tục ra phá hoại hoa màu của dân', Chi cục Phó Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng khẳng định.
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã tích cực triển khai ngay một số biện pháp để giảm xung đột, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và bảo vệ đàn voi rừng. Trong đó, cử lực lượng phản ứng nhanh của Chi cục phối hợp lực lượng công an, dân quân tự vệ huyện Định Quán, chính quyền xã Thanh Sơn, người dân ở ấp 4, 5, 7, triển khai các biện pháp xua đuổi voi quay vào rừng. Bên cạnh đó, theo dõi hướng di chuyển của đàn voi rừng để kịp thời thông báo đến người dân chủ động phòng tránh, khuyến cáo người dân không được ngủ lại trong lán trại, khu vực voi rừng hoạt động và chấp hành đúng thời gian ra khỏi rừng trước 17 giờ hằng ngày.
Một cá thể voi rừng ra khu vực dân cư.
Kiến nghị xây dựng thêm 20 km hàng rào điện
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, thời gian gần đây, tần suất voi rừng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đến nay đàn voi rừng đã 'định cư' hẳn tại khu vực làng Đồng Bào, thuộc Đội 1, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà, giáp xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Do đó, Chi cục Kiểm lâm kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng cục Lâm Nghiệp cho phép tiếp tục xây dựng tiếp 20 km hàng rào điện. Cụ thể, phía bắc bắt đầu từ đường 323 đến giáp sông Đồng Nai, phía nam từ điểm cuối hàng rào xã Thanh Sơn đến điểm cuối xã Phú Lý. Đây là biện pháp tạm thời có thể hạn chế xung đột giữa voi và người.
Ngoài ra, kết quả điều tra hoạt động đàn voi rừng cho thấy, voi thường xuyên ra nương rẫy của người dân ven rừng là do người dân trồng nhiều loại thức ăn voi ưa thích như hoa quả, nguồn nước và muối…. Do đó, trong thời gian tới, Chi cục Kiểm Lâm Đồng Nai sẽ tiến hành khảo sát, trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng các chảo nước, bổ sung muối khoáng cho voi.
Dự án khẩn cấp bảo tồn voi với kinh phí 84 tỷ đồng
Hàng rào điện là một trong các hạng mục của Dự án khẩn cấp bảo tồn voi được khởi công từ năm 2016. Đến tháng 9-2017 đưa vào vận hành, có chiều dài 50 km. Hàng rào điện tử thực hiện ngăn cách khu dân cư và nương rẫy của người dân với rừng tự nhiên, nơi voi thường ra tìm thức ăn, xung đột với người. Hàng rào điện có độ cao 2,2 m, được xây dựng bằng các cột bê-tông, trên gắn bốn sợi dây cáp dẫn điện kéo căng. Dòng điện trên hàng rào điện được đặt mức khoảng từ 4,5 đến 14 kV. Hàng rào lấy điện từ năng lượng mặt trời và tích vào bình ắc quy 24V, các bình ắc quy này đặt tại mười trạm dọc theo hàng rào, các trạm cách nhau 5 km. Điện trên hàng rào được phát đi theo hình thức phát-tắt trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ 1/3 giây, nên khi người đụng vào sẽ giật bắn ra, không nguy hiểm tới tính mạng. Tương tự, hàng rào điện cũng chỉ gây hoảng sợ khiến voi không dám lại gần. Ngoài hàng rào điện tử, Dự án khẩn cấp bảo tồn voi còn các hạng mục khác, với tổng kinh phí cho dự án hơn 84 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 80% và 20% của tỉnh Đồng Nai. Đến nay, riêng hạng mục hàng rào điện đã giải ngân hơn 50 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2020 dự án sẽ hoàn thành.
* Đàn voi rừng phá hoại hoa màu của dân ở huyện Định Quán