Sáng 13-6, UBND TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến hoàn thiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố. Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc quản lý là cần thiết bởi nếu không triển khai nhanh, trong vòng 5-10 năm tới, xe cộ sẽ không thể lưu thông bình thường trên đường phố.
Không có biện pháp quản lý phương tiện cá nhân, ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng
Cấm lưu hành chứ không cấm sở hữu
Số liệu khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT cho thấy, xe ô tô cá nhân và xe máy tại Hà Nội đang chiếm 85,8% diện tích lưu thông mặt đường; chiếm khoảng 70% nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ô tô cá nhân chỉ chiếm 14,38% lượng phương tiện nhưng chiếm dụng tới 42,18% diện tích mặt đường.
Cũng qua khảo sát của Viện này, 80,19% người dân ít khi hoặc chưa bao giờ sử dụng xe buýt. Lý do vì xa điểm dừng chờ chiếm tới 38,36%; “chê” xe buýt không tiện nghi chiếm 13,24%; phải chuyển tiếp nhiều lần chiếm 18,41%; còn lại là vì không biết lộ trình, thời gian chờ đợi lâu…
Nội dung chính của Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn Hà Nội tập trung vào 6 nhóm giải pháp gồm: Quản lý về số lượng; Quản lý về chất lượng; Quản lý về phạm vi hoạt động của các phương tiện giao thông; Phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về GTVT.
Tuy nhiên, vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm nhất là lộ trình hạn chế xe máy ra vào khu vực nội thành. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chủ trương hạn chế lưu hành xe cá nhân là cần thiết, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Song, trong quá trình triển khai, Hà Nội cần thực hiện đầy đủ các căn cứ pháp lý và thực tế. Để thực hiện hiệu quả Đề án, thành phố cần có lộ trình phù hợp.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, chỉ nên cấm xe máy lưu hành ở một số tuyến chứ không nên cấm người dân sở hữu xe máy. Hơn nữa, nên có lộ trình phân vùng, hạn chế dần để người dân nắm bắt được và thích nghi dần. Đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ đặt vấn đề: “Trong trường hợp vận tải công cộng không đáp ứng kịp thì có thể thay đổi lộ trình cấm xe máy ra vào khu vực nội đô hay không? Vì vậy, lộ trình hạn chế xe máy cần được tính toán một cách bài bản và khoa học”.
Không có biện pháp quản lý phương tiện cá nhân, ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng
Không làm sớm, ùn tắc càng gia tăng
Chia sẻ về tình hình ùn tắc cũng như tốc độ gia tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố thời gian gần đây, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT, ông Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, rất cần triển khai các biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, trước mắt là xe máy ra vào khu vực trung tâm thành phố. “Đây là đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn. Nếu không có giải pháp thì rất khó hình dung tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội trong tương lai 5-10 năm tới sẽ diễn biến như thế nào?”, ông Nguyễn Hữu Tiến nói.
Về quy định niên hạn đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ ngồi mà Đề án đưa ra, lãnh đạo Vụ Môi trường cho rằng, hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng đối với loại phương tiện này. Vì vậy, trước mắt Hà Nội nên áp dụng các biện pháp kinh tế như: tăng thuế, thêm phí bảo vệ môi trường... để hạn chế ô tô cá nhân.
Ghi nhận ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành cho Đề án quản lý phương tiện giao thông của Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ những nội dung góp ý để hoàn chỉnh Đề án trước khi trình HĐND TP xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 7 tới đây. “Quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một trong những việc khó, lớn và nóng nhất hiện nay của thành phố”, - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhìn nhận.
Cũng tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng bày tỏ: “Đề án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đến phân cấp, phân quyền quản lý. Nhưng nếu thấy khó mà không làm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Do đó, phải mạnh dạn làm với lộ trình, giải pháp cụ thể. Thế giới cũng đã làm, có thành công, có thất bại; chúng ta sẽ rút kinh nghiệm từ những thất bại đó để làm hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện vấn đề chưa phù hợp, sẽ điều chỉnh”.