Hà Nội kiến nghị Chính phủ có quy định để thu hồi xe máy cũ nát từ năm 2020
Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương kiểm soát khí thải đối với xe máy để thu hồi xe cũ nát, nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa xây dựng được lộ trình cụ thể. Để quản lý phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, thành phố Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý, thu hồi đối với xe máy cũ nát.
“Bội thực” xe máy
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, xe mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân ở khu vực đô thị, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố và tiếp tục tăng nhanh. Xe mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm. Tính toán cho thấy, xe máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra lượng khí thải khoảng 94% HC; 87% CO; 57% NOx và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và diezel.
Trong khi đó, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức rất có hại cho sức khỏe gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chiếm 70-90%; chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an tính đến 31-12-2016, trên toàn quốc có xấp xỉ 50 triệu xe mô tô, gắn máy được đăng ký mà đại đa số là mô tô 2 bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước. Riêng tại Hà Nội hiện có hơn 5,255 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện, 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Trong đó, có gần 1/2 số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông.
Hiện tại, các loại xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (bao gồm cả ô tô và xe mô tô, xe gắn máy) đang được kiểm soát khí thải theo mức Euro 2 và có lộ trình lên mức Euro 3 đối với xe mô tô, mức Euro 4 đối với xe ô tô từ ngày 1-1-2017, theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg ngày 11-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình sử dụng, tham gia giao thông vẫn chưa được kiểm soát khí thải.
Mặt khác, ngày 17-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Theo đó, giai đoạn 2010-2013 triển khai Đề án tại Hà Nội, TP. HCM và giai đoạn 2013-2015 mở rộng phạm vi thực hiện Đề án đến các thành phố loại 1, loại 2.
Biện pháp chính là thực hiện kiểm tra khí thải tại các cơ sở kiểm định khí thải và tuần tra, kiểm soát trên đường bảo đảm người sử dụng xe tuân thủ việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để xe máy đạt tiêu chuẩn khí thải khi sử dụng để tham gia giao thông.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Đề án vẫn chưa được triển khai trên thực tế. Kết quả nghiên cứu năm 2016 của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời của phương tiện. Đối với xe máy mới từ 1-5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.
Từ năm 2020 có thể thu hồi xe cũ nát
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhiều nơi trên thế giới như Singapore, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)... đã kiểm tra khí thải với xe mô tô, xe gắn máy chạy trên 5 năm. Việc đưa ra rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn mức khí thải góp phần giảm thiểu và loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy cũ nát tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Thậm chí nhiều thành phố coi việc thu phí phát thải ô nhiễm của phương tiện là công cụ kinh tế để hạn chế xe cá nhân; và chính sách này đang rất thành công.
Do vậy, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm soát khí thải đối với xe gắn máy để tiến tới thu hồi xe máy cũ nát không đủ tiêu chuẩn ATGT. Một số giải pháp để thực thi mà Hà Nội đưa ra gồm: Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội (không phân biệt xe có biển số đăng ký tham gia giao thông trên địa bàn để đảm bảo công bằng).
Việc kiểm soát được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải ở các mức độ: Thu phí phương tiện như thu phí môi trường thông qua dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ đối với phương tiện xe mô tô, xe gắn máy; Thu hồi, kiên quyết loại bỏ xe máy không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
Ngoài ra, Hà Nội đề xuất không quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy nhằm phù hợp với kinh nghiệm thế giới và phù hợp với các giải pháp của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” do Hà Nội đang xây dựng.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, từ nay đến 30-6-2018, Hà Nội sẽ hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường đối với xe ô tô, xe gắn máy và tuyên truyền chủ trương, chính sách sâu rộng đến người dân. Đồng thời, thành phố cũng sẽ xây dựng một số cơ sở kiểm định khí thải; tổ chức đào tạo cho kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ chuyên trách.
Từ 1-7-2018 đến 31-12-2019, sẽ kiểm tra khí thải đối với xe mô tô loại có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên. Từ sau năm 2020, kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án tiếp theo đối với xe mô tô, dung tích xi lanh động cơ dưới 175cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông, thu hồi, loại bỏ những phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải.
Tuy vậy, để có căn cứ xử lý, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe máy; chủ trì, hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức cá nhân có liên quan triển khai kiểm tra khí thải xe máy theo lộ trình.
Đối với trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống kê phân loại theo khu vực về chủng loại, thời gian sử dụng xe máy (theo năm sản xuất) tại địa phương; xác định vị trí bãi tập kết tiêu hủy xe mô tô, xe gắn máy khi tiến hành thu hồi phương tiện giao thông thải loại theo đúng lộ trình quy định.
Với các đối tượng còn khó khăn, Hà Nội cũng kiến nghị với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước theo hướng: Có thể mua lại phương tiện cũ không đảm bảo các điều kiện về quy định khí thải của người dân đang sử dụng để mưu sinh.
Hoặc kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy để thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân; hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe mô tô ba bánh kinh doanh vận chuyển hàng hóa để kiếm sống.