Dự kiến, từ ngày 1-9, tại 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng sẽ mở rộng trông giữ xe ô tô qua ứng dụng Iparking. Đồng thời, 89 điểm trông giữ xe phục vụ không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng sẽ áp dụng Iparking.
Tràn lan các điểm trông giữ xe không phép
Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, tổng số điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường, vỉa hè, dải phân cách trên địa bàn thành phố là 728 điểm, chiếm diện tích gần 146.000m2. Trong đó, các điểm có phép do Sở GTVT và UBND các quận, huyện cấp phép là 654 điểm, diện tích gần 130.000m2 (Sở cấp 237 điểm). Các điểm hết hạn giấy phép, không phép là 74 điểm, chiếm diện tích hơn 16.000m2. Trong đó, quận Hoàn Kiếm có 16 điểm, quận Hai Bà Trưng có 3 điểm, quận Đống Đa có 25 điểm, quận Ba Đình có 13 điểm… Ngoài ra, còn có 597 bãi trông giữ xe tại các bệnh viện, trung tâm thương mại, khu đô thị, trường học chiếm diện tích 830.000m2, nhưng chỉ có 5 bãi trông giữ được UBND TP Hà Nội cho phép và 28 bãi Sở GTVT thỏa thuận đủ điều kiện trông giữ phương tiện.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nhu cầu thực tế về vị trí đỗ xe của các đơn vị, cơ quan, nhân dân ngày càng tăng trên địa bàn thành phố, trong khi các bến xe, bãi trông giữ xe đang được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Để giải quyết nhu cầu đỗ xe và đảm bảo ATGT, Sở GTVT kiến nghị UBND TP: đối với các tuyến đường tổ chức giao thông hai chiều như các tuyến phố có mặt cắt ngang lòng đường lớn hơn 5,5m-7,5m không cho phép dừng đỗ xe theo thời gian (trong giờ cao điểm hoặc trong các dịp lễ, Tết), ngoài thời gian này cho phép đỗ xe không thu phí theo ngày chẵn, lẻ đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người đi bộ. Còn các tuyến phố có mặt cắt ngang lòng đường nhỏ hơn 5,5m không được phép đỗ xe.
Các tuyến phố còn lại có mặt cắt ngang lòng đường đến 7,5m nhỏ hơn 10,5m cho phép đỗ xe đối với các vị trí không có biểm cấm đỗ, cấm dừng, cho phép đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ.
Đối với các tuyến phố đáp ứng điều kiện quy định của Bộ Xây dựng, tổ chức trông giữ xe có thu phí, nhằm công khai minh bạch trong việc quản lý dừng, đỗ xe và tăng nguồn thu cho ngân sách. Trước hết, thực hiện trên địa bàn 12 quận nội thành.
Qua khảo sát cho thấy, có 205 tuyến phố được phép đỗ xe và đề xuất tổ chức trông giữ xe có thu phí, 236 tuyến phố cấm đỗ xe. Trường hợp đặc thù phải được liên ngành Sở GTVT, CATP, UBND các quận, huyện chấp thuận. Liên quan đến việc cấp phép trông giữ xe trên vỉa hè, Sở GTVT kiến nghị, đối với vỉa hè có mặt cắt ngang nhỏ hơn 3m không tổ chức trông giữ phương tiện. Các ví trí cấp phép trông giữ ô tô trên vỉa hè yêu cầu phải gia cố lại kết cấu hè.
Sẽ nhắn tin cho chủ xe để quá giờ
Về công tác trông giữ xe, sắp xếp lại tình hình trông giữ xe trên địa bàn các quận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GTVT Hà Nội tiếp tục rà soát công tác trông giữ xe trên địa bàn thành phố, trong đó lưu ý mở rộng triển khai ứng dụng trông giữ xe qua Iparking. Cụ thể, tại các khu vực có nhiều công ty, đơn vị trông giữ xe, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thông báo rõ việc ứng dụng Iparking để các đơn vị thực hiện. Sở GTVT cần phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trông giữ xe nghiên cứu phương án ứng dụng
Iparking đối với trông giữ xe máy. Đồng thời, đối với 89 điểm trông giữ xe phục vụ không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ sử dụng Iparking. Đặc biệt, toàn bộ các điểm đỗ xe ô tô đủ điều kiện trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa sẽ triển khai ứng dụng Iparking từ ngày 1-9.
UBND TP cũng yêu cầu các Sở GTVT, Tài chính, Cục Thuế Hà Nội, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nghiên cứu, xem xét giá trông giữ xe ô tô trong giờ đầu và lũy tiến các giờ tiếp theo. Đối với phần mềm Iparking, trước 31-12-2017 phải hoàn thiện các dịch vụ như nhắn tin cho chủ xe để quá giờ....
Ngân Tuyền (ANTĐ)