Sự kiện trên đánh dấu việc chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên mở cửa với các liên doanh lắp ráp xe hơi nước ngoài. Chỉ sau 1 năm, Volkswagen chính thức thi công nhà máy lắp ráp xe hơi lớn nhất của họ đặt tại Thượng Hải với diện tích khuôn viên lên tới 3.330.000 mét vuông. Trong vòng 1 thập kỷ tiếp theo, 20 thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới đã có nhà máy tại Trung Quốc, kéo theo sự phát triển như vũ bão của hàng loạt nhà máy công nghiệp phụ trợ.
Năm 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Mỹ vẫn đang hoành hành dữ dội, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ và trở thành nước sản xuất ô tô nhiều nhất thế giới, qua đó trở thành thị trường ô tô giá trị nhất thế giới, vị trí mà họ vẫn còn nắm giữ cho đến ngày nay.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có 24,2 triệu chiếc xe được sản xuất và bán ra tại thị trường Trung Quốc, 60% trong số đó là những mẫu xe đến từ các thương hiệu châu Âu và Nhật Bản. Có thể thấy, sự hợp tác với các hãng xe nước ngoài quả là một nước cờ có lợi đôi bên: Trung Quốc được phát triển nền công nghiệp xe hơi của họ lên vị trí số một thế giới, các hãng xe thì có những con số tăng trưởng doanh số đẹp như mơ. Nhưng liệu đó có phải là một cuộc 'hôn nhân' chỉ toàn màu hồng?
Màu hồng cho hãng ngoại, màu đen cho hãng nội
Việc mở cửa thị trường ô tô là một nước cờ đầy táo bạo của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy công nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Chiến lược cơ bản nhất của chính phủ Trung Quốc là: áp đặt việc hợp tác bắt buộc giữa các hãng xe nước ngoài và hãng xe Trung Quốc với tỷ lệ góp vốn không quá 50:50. Thêm vào đó, các hãng ngoại bắt buộc phải dần chuyển giao công nghệ cho hãng trong nước, đổi lại, họ được quyền lắp ráp, nhập khẩu và phân phối các mẫu xe của mình vào thị trường 1,4 tỷ dân này. Như đã nêu ở trên, hàng loạt ông trùm trong ngành xe hơi “hớn hở” kéo thiết bị, nhân lực đến thị trường Trung Quốc và tạo ra mức tăng trưởng 2 con số trong hơn 1 thập kỷ vừa qua cho nền công nghiệp sản xuất xe hơi nơi đây.
Tuy nhiên, do việc Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2002 và sự thả tự do thị trường đã khiến thị trường xe hơi Trung Hoa – dù phát triển như vũ bão – nhưng thực sự “rối như canh hẹ”. Người tiêu dùng Trung Quốc bị bủa vây bởi hàng loạt thương vụ hợp tác sản xuất chồng chéo và phức tạp, hàng loạt công ty con sinh ra bởi những sự hợp tác đó.
Như để tự bảo vệ chính mình khỏi các đối tác Trung Quốc, các hãng xe nước ngoài cực kỳ dè dặt trong việc chuyển giao công nghệ và gần như chẳng hề nghiêm túc trong việc đồng nghiên cứu các mẫu xe dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Những hãng xe Đức, Nhật, Mỹ đều e ngại những bí mật công nghệ của họ bị xâm phạm và họ có lý do để lo lắng. Vấn nạn vi phạm bản quyền ở Trung Quốc là điều bất cứ ai cũng biết và việc các nhà cầm quyền nơi đây cho phép một hãng xe nội địa liên kết với nhiều hãng nước ngoài cùng một lúc càng khiến “đội khách” thêm e ngại. Mercedes-Benz có muốn lộ thông tin công nghệ cho BMW không? Chắc chắn là không.
Hồi đầu năm 2017, Audi công bố kế hoạch kết hợp với SAIC Motor để lập nên một kênh sản xuất và phân phối xe mang nhãn hiệu Audi thứ hai tại Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các đại lý Audi-SAIC sẽ cạnh tranh trực tiếp với liên doanh FAW-Audi vốn tồn tại từ trước. Không khó để đoán rằng các đại lý FAW-Audi đã phản ứng dữ dội bằng động thái không đặt hàng xe từ nhà máy Audi đặt tại Trường Xuân. Điều đó ảnh hưởng mạnh đến doanh số xe Audi trong vài tháng đầu năm 2017.
Cuối cùng, hãng mẹ Volkswagen phải nhượng bộ và hứa sẽ liên kết Audi với SAIC chỉ khi doanh số xe Audi tại Trung Quốc đủ nhiều để đáp ứng 2 kênh phân phối riêng biệt. Một ví dụ khác là liên minh Beijing-Benz: họ có 2 kênh phân phối khác nhau cho xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức. Kết quả là khách hàng Trung Quốc bị bối rối và giá trị thương hiệu Mercedes-Benz giảm mạnh. Chỉ khi 2 kênh phân phối này được hợp nhất trong năm 2012, Mercedes-Benz mới thực sự tăng tốc và bắt kịp BMW, thu hẹp khoảng cách với Audi, thương hiệu xe sang bán chạy nhất tại Trung Quốc.
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém trong việc khiến kế hoạch “nâng tầm” hãng xe nội địa của chính phủ Trung Quốc không thành công như mong muốn là sự sính ngoại của người dân Trung Quốc. Bạn nghĩ người dân Việt Nam sính ngoại nhất thế giới ư? Chưa chắc đã bằng dân Trung Quốc! Một chiếc BMW X3 có giá từ 60.000 USD tại đây, trong khi chiếc Brilliance V7 được sản xuất dựa trên X3 có giá chỉ từ 17.500 USD. Thế mà trong năm 2017, BMW bán được hơn 380.000 xe tại Trung Quốc, trong khi hãng xe liên kết với họ, Brilliance, chỉ bán được hơn 100.000 xe. Đúng vậy, xe BMW đắt gấp 3,4 lần nhưng lại có doanh số gấp gần 4 lần doanh số xe Brilliance, vốn được quảng cáo là “BMW của Trung Quốc”!
Chưa hết, Volkswagen hiện là ông trùm tại đại lục với tổng sản lượng xe tại Trung Quốc trong năm 2017 là 3,139 triệu chiếc, gấp gần 3 lần so với Geely, hãng xe nội địa có sản lượng xe tốt nhất của Trung Quốc. Các mẫu xe liên doanh của Volkswagen hoặc GM đã đủ rẻ tới mức có thể cạnh tranh ngược với các mẫu xe nội địa trên phương diện giá cả, điển hình như mẫu sedan Baojun (sản phẩm của GM và SAIC Motor) có giá niêm yết chỉ khoảng 7.000 USD. Sự hả hê của các hãng ngoại là sự bất an của những hãng nội – đã có thời điểm tổng doanh số xe mang mác hãng nội địa Trung Quốc giảm tới 12% trong 1 tháng!
Có thể thấy, các hãng xe nước ngoài đang áp đảo những hãng xe nội địa, nhưng điều đáng ngại là phần lớn hãng nội địa Trung Quốc lại chủ động tận hưởng sự áp đảo đó! Những ông trùm như Geely, Baojun hay BAIC đã có thể cạnh tranh bằng công nghệ chứ không chỉ đơn thuần là vì giá rẻ, nhưng họ đều dựa dẫm vào mức lợi nhuận quá hấp dẫn đến từ việc liên kết với các hãng xe nước ngoài. Những món hời khổng lồ đó khiến các hãng xe Trung Quốc không dám mạo hiểm với chính thương hiệu của mình.
Như vậy, việc chuyển giao công nghệ không diễn ra như dự tính, sự chây ì của các hãng nội địa và thói quen tiêu dùng của người dân khiến chính phủ Trung quốc phải thay đổi, và điều đầu tiên họ làm là tháo gỡ rào cản góp vốn 50:50 kia.
BMW và Brilliance
Vào ngày 27 tháng 3 năm 2003, BMW đã hợp tác với hãng xe Brilliance Auto lập nên liên doanh BMW Brilliance Automotive với mục đích sản xuất và phân phối xe BMW tại thị trường Trung Quốc. BMW góp 50% tổng số vốn, chạm mức trần mà chính phủ Trung Quốc đề ra, Brilliance Auto góp 40,5 % và chính quyền thành phố Thẩm Dương góp 9,5% còn lại.
Ban đầu, BMW và Brilliance Auto đồng ý bỏ ra số vốn ban đầu lên tới 483 triệu USD để xây dựng nhà máy và lập nên các trung tâm trưng bày và bảo dưỡng xe. Chiếc BMW đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc là một chiếc 325i màu bạc đời E46, được bán ra vào tháng 10/2003, tức là chỉ hơn 6 tháng kể từ khi hai hãng xe đặt bút ký thỏa thuận hợp tác! Điều này cho thấy tốc độ xây dựng và vận hành nhà máy nhanh đến khủng khiếp của liên doanh giữa BMW và Brilliance Auto.
Tiếp nối 3 Series, liên doanh BMW Brilliance Automotive tiếp tục trình làng mẫu 5 Series đầu tiên lắp ráp tại Trung Quốc vào cuối tháng 10/2003. Tất nhiên, với tốc độ thần tốc như vậy thì đa phần linh kiện lắp ráp 3 Series và 5 Series đều là nhập khẩu từ châu Âu. Dù vậy, ông Li Donghui, Phó Chủ tịch BMW Brilliance Automotive vẫn khẳng định rằng những chiếc xe đó có tỷ lệ nội địa “dưới 40%”.
Sau 15 năm hoạt động, BMW Brilliance Automotive đã lớn mạnh hơn bao giờ hết. Tốc độ tăng trưởng trung bình của liên doanh trong 15 năm qua là 46% (!), trong khi mức trung bình của phân khúc xe sang tại Trung Quốc cũng lên tới 41% (theo tài liệu nội bộ của BMW Trung Quốc). Quả thực, xe sang lắp ráp trong nước là miếng bánh quá béo bở mà các hãng xe châu Âu không thể bỏ qua.
Tầm ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc là không phải bàn cãi. Đây là thị trường lớn nhất của các dòng xe: 7 Series, 5 Series sedan, 5 Series GT, X6 và X5, toàn là những mẫu xe chủ chốt của BMW. Thậm chí khi xét về mức độ yêu thích của khách hàng Trung Quốc, BMW là thương hiệu được yêu thích hàng đầu tại đây trong nhiều năm liên tiếp. Nếu không chỉ xét riêng ngành xe hơi thì thương hiệu BMW cũng xếp thứ 3, chỉ đứng sau Louis Vuitton và Hermes (Mercedes-Benz xếp thứ 5). Tính đến hết năm 2017, số lượng đại lý phân phối của BMW tại Trung Quốc đã vượt quá con số 350.
Tuy nhiên, BMW là hãng hưởng hết “trái ngọt”, còn phần của Brilliance thì ít hơn nhiều. Ngoài khoản lợi nhuận khổng lồ mà họ nhận được thì rất ít hoạt động R&D diễn ra giữa đôi bên. Mẫu crossover chạy điện BMW Brilliance Zinoro được phát triển dựa trên BMW X1 là sản phẩm chung đầu tiên giữa 2 hãng nhưng chưa được bán ra rộng rãi mà chỉ được phân phối với hình thức cho thuê tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Như đã chia sẻ ở phần trên, xe BMW đắt gấp 3,4 lần nhưng lại có doanh số gấp gần 4 lần doanh số xe Brilliance. Có thể thấy, người dân Trung Quốc sẵn sàng chịu mua xe ngoại giá đắt chứ không mua sản phẩm mang mác nội địa.
Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một quyết định mang tính chất lịch sử khi họ sẽ “dần gỡ bỏ mức trần 50% tổng số vốn đầu tư cho các hãng xe ngoại” với thời gian dự kiến là năm 2022. Tuy nhiên, nhiều tờ báo Đức dẫn lời một người đại diện BMW đã khẳng định rằng hãng xe này sẽ sớm sở hữu ít nhất là 75% cổ phần của BMW Brilliance Automotive ngay trong năm nay hoặc đầu năm sau. Điều ấy có nghĩa là họ sẽ nắm giữ 75% lợi nhuận, và 75% quyền quyết định khi đưa ra các chính sách chiến lược.
Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc BMW phải bỏ ra 1 lượng tiền mặt cực lớn.Theo tỷ giá hiện tại, BMW phải chi ít nhất là 3,2 tỷ Euro để mua 25% cổ phần từ đối tác, tương đương 14% tổng số tiền mặt mà họ có trong năm 2018. Tuy nhiên, kể từ khi Bloomberg tung tin BMW có khả năng tăng cổ phần tại BMW Brilliance Automotive, cổ phiếu của liên doanh này đã sụt tới 30% giá trị, tức là khi BMW chính thức chi tiền, giá trị cổ phiếu có thể sẽ giảm hơn nữa, tức là họ sẽ mua được với giá hời.
Nhưng lợi ích lớn nhất mà BMW nhận được chính là quyền tự quyết. Vì phải chia sẻ 50% lợi nhuận của những chiếc BMW lắp ráp tại Trung Quốc cho đối tác nên hãng xe Đức vẫn luôn dè dặt trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Việc chiếm đa số cổ phần và lợi nhuận khiến BMW tự tin hơn trong việc mở rộng sản xuất và lắp ráp thêm nhiều mẫu xe khác. Điều đó cũng khiến họ ít bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị hơn, tiêu biểu là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đổi lại, hãng xe Đức cũng sẽ tập trung phát triển các mẫu BMW và MINI chạy điện dành cho thị trường Trung Quốc và toàn cầu, đơn cử như mẫu BMW iX3 dự kiến sẽ bán ra trong năm 2020. BMW cũng sẽ có động lực để chuyển giao công nghệ cho Brilliance và hỗ trợ nền công nghiệp phụ trợ của tỉnh Liêu Ninh hơn nữa. Đó là điều Bắc Kinh muốn.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/phan-tich-trung-quoc-noi-long-su-kiem-soat-voi-hang-xe-ngoai-bmw-huong-loi-dau-tien.html