Nước làm mát xe ô tô là một phần quan trọng giúp ‘giải nhiệt’ và đảm bảo động cơ luôn hoạt động an toàn nhưng nhiều tài xế xem nhẹ việc này tiện tay đổ nước không đúng quy định khiến động cơ hỏng nhanh chóng.
Thực tế trong quá trình sử dụng liên tục, một lượng lớn nhiệt tỏa ra từ động cơ ô tô, một phần chuyển thành công, phần còn lại tỏa ra ngoài không khí hoặc các chi tiết tiếp xúc với khí cháy tiếp nhận như xilanh, piston, nắp máy,… Ngoài ra, nhiệt lượng còn sinh ra do ma sát giữa các bề mặt làm việc của chi tiết trong động cơ.
Trong quá trình sử dụng xe ô tô nếu việc làm mát không thường xuyên dẫn đến các chi tiết trong động cơ nóng lên quá nhiệt độ cho phép gây ra nhiều tác hại như: ứng suất nhiệt lớn, sức bền giảm dẫn đến làm hỏng các chi tiết, tăng tổn thất ma sát vì nhiệt độ lớn làm mất tác dụng bôi trơn của dầu nhờn. Ở nhiệt độ 200-3000 độ C dầu nhớt sẽ bị bốc cháy, nhóm piston có thể bị bó kẹt trong xilanh vì giãn nở, dễ gây cháy kích nổ ở động cơ xăng.
Nước làm mát khá quan trọng giúp giảm nhiệt cho xe ô tô.
Ngoài những hư hỏng trên thì một số chi tiết khác cũng bị ảnh hưởng như két nước bị rỉ, nghẹt, hỏng van hằng nhiệt, bơm, ống dẫn, quạt nhiệt… Do đó, việc kiểm tra mực nước làm mát phải thực hiện thường xuyên, đảm bảo mực nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa vị trí đầy khi động cơ đang nguội.
Nếu mực nước làm mát tại bình chứa chính thấp hơn mức trong bình nước phụ thì phải mở nắp bình nước phụ và nắp két nước để châm nước thêm nếu cần thiết. Nếu để quá lâu chúng có thể bị phân hủy và gây ra tắc nghẽn trong động cơ. Tuy nhiên có nhiều tài xế thường mắc sai lầm khi đổ nước làm mát hệ thống không đúng quy định dẫn đến những hỏng hóc không ngờ.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Tùng – chủ một garage chuyên sửa chữa ô tô tại Nam Định cho biết, có khá nhiều tài xế mang bơm nước làm mát tới chỗ anh sửa mà nguyên nhân chủ yếu là do dùng nước lọc hoặc nước làm mát không theo quy định khiến lòng bơm bị oxy hóa. Khi lòng bơm bị oxy hóa sẽ làm mục ruỗng, lúc này hiệu quả làm mát động cơ kém dần để lâu sẽ bị hỏng bơm.
Máy bơm ô tô bị hỏng do sử dụng nước làm mát không đúng quy định. Ảnh: Ninh Lan
Cũng theo anh Tùng, bơm nước có nhiệm vụ luân chuyển dòng coolant trong hệ thống làm mát. Hư hỏng bơm sẽ khiến dòng nước không lưu thông được và làm động cơ nóng. Bơm nước thường có tuổi thọ khá cao khoảng 100.000 dặm (tương đương 161.000km) nhưng nó cũng có thể hư hỏng sớm hơn. Khi bơm bị hư bạn phải thay thế để đảm bảo quá trình hoạt động của động cơ nếu không sẽ khiến nhiều bộ phận khác bị liên quan.
Để tìm hiểu rõ hơn về nước làm mát cho ô tô, kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, dung dịch nước làm mát động cơ xe ô tô không phải loại nước lọc dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà phải là chất lỏng chuyên dụng. Thành phần chính là nước tinh khiết và dung dịch làm mát ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt nhanh, cùng các chất phụ gia giúp chống bay hơi, ăn mòn động cơ… Nước lọc hay những loại nước dùng trong sinh hoạt tự nhiên chứa nhiều hợp chất khác nhau như cặn đá vôi, kim loại… Do đó, khi vào hệ thống làm mát ở nhiều độ cao có thể khiến cặn đóng ở két nước, giảm hiệu suất tản nhiệt.
Cũng theo kỹ sư Lê Văn Tạch, nhiều tài xế tiện tay đổ luôn những chai nước khoáng bán sẵn vào hệ thống làm mát tuy nhiên loại nước lọc này không an toàn vì trong nước có thể gây đóng cặn. Trong những trường hợp khẩn cấp bắt buộc phải dùng nước lọc hoặc nước khoáng thì vẫn có thể châm vào bình nước mát, nhưng sau đó cần tới ngay trạm bảo dưỡng để nhân viên vệ sinh két nước và châm đúng loại dung dịch theo quy định dùng cho ô tô.
Ngoài ra, theo kỹ sư Lê Văn Tạch, để hệ thống làm mát luôn hoạt động ổn định người dùng cần nhớ cứ sau khoảng 40.000 – 50.000 km lăn bánh tài xế nên thay nước mát để đảm bảo khả năng làm mát hiệu quả nhất. Với xe lần đầu thay có thể để lâu hơn 50.000 km mới thay, nhưng những lần tiếp theo nên đều đặn theo tần suất này.
Đặc biệt, khi bảo dưỡng xe ô tô cũng cần cho kiểm tra thường xuyên hệ thống làm mát cũng như mực nước trong bình chứa, nếu trường hợp thấp hơn mức tiêu chuẩn cần châm thêm để đảm bảo an toàn. Ngoài ra cũng cần phải kiểm tra hệ thống làm mát vì có thể sẽ bị rò rỉ ở một số bộ phận liên quan. Tránh tình trạng xe hệ thống làm mát hỏng nghiêm trọng mới đi kiểm tra thì lúc đó không những tốn tiền mà còn mất thời gian.
An Dương
Nguồn: VietQ