Hệ thống làm mát bị rò rỉ, mức dầu máy thấp hoặc thời tiết cực đoan đều có thể khiến động cơ bị quá nhiệt.
Trong quá trình lái xe, nếu quan sát thấy kim đồng hồ kiểm soát nhiệt độ động cơ tiến gần tới chữ H (viết tắt của từ “hot”), hãy dừng xe và tắt máy. Bạn có thể mở nắp ca-pô và bắt đầu tìm kiếm nguyên nhân khiến động cơ của bạn không được làm mát.
Hệ thống làm mát
Đồng hồ nhỏ báo C (Cool)/mát và H (Hot)/nóng cần được người lái chú ý quan sát trong quá trình lái xe.
Thủ phạm liên quan phổ biến nhất đến việc động cơ bị quá nóng là hệ thống làm mát động cơ xe có thể gặp trục trặc. Dung dịch này làm mát bằng cách lưu thông khắp động cơ trong quá trình vận hành xe. Nếu nó bị rò rỉ ở đâu đó trong hệ thống, thì có thể một phần hoặc toàn bộ nước làm mát biến mất, động cơ sẽ trở nên rất nóng. Nếu di chuyển dưới thời tiết lạnh, hệ thống gió luồn qua khoang động cơ giúp bạn may mắn đi thêm một quãng đường nhất định.
Ngoài ra, có thể bạn không thấy sự rò rỉ của dung dịch làm mát, nhưng động cơ vẫn bị nóng, bởi có sự tắc nghẽn của hệ thống này. Bụi bẩn, các cặn bẩn có thể làm tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn hệ thống này.
Hỏng hóc các chi tiết trong hệ thống làm mát cũng cần được kiểm tra. Ví dụ, máy bơm nước làm mát bị hỏng sẽ không đưa được dung dịch làm mát đi khắp động cơ. Bộ tản nhiệt cũng là một thành phần quan trọng. Quạt hỏng cũng làm một căn bệnh phổ biến. Vì vậy, phải kiểm tra định kỳ hệ thống làm mát động cơ.
Mức dầu máy thấp
Đôi khi, việc động cơ bị quá nóng không xuất phát từ hệ thống làm mát, mà có thể từ dầu động cơ. Dầu động cơ có tác dụng bôi trơn, và nếu nó bị hao hụt trong quá trình vận hành, ma sát các chi tiết bên trong động cơ sẽ tăng lên, dẫn đến việc động cơ nóng hơn bình thường. Việc này dễ dàng khắc phục bằng cách kiểm tra dầu máy thường xuyên, đặc biệt với các động cơ xe đã cũ.
Thời tiết cực đoan
Nhiệt độ ngoài trời cao cũng có thể khiến cho động cơ xe của bạn trở nên quá nóng. Mặc dù các hãng xe đều đã tính toán trong trường hợp thời tiết cực đoan này, tuy nhiên với những chiếc xe cũ, hệ thống làm mát già nua, cũng có thể làm động cơ của bạn tăng nhiệt.
Kiểm tra định kỳ hệ thống làm mát đảm bảo động cơ được làm mát trong quá trình sử dụng.
Xử lý tình huống động cơ quá nóng
Ngay khi thấy kim đồng hồ nhiệt độ động cơ báo quá nóng, bạn hãy tắt hệ thống điều hòa, bật hệ thống sưởi nếu có giúp giảm nhiệt độ trong khoang động cơ. Bước này có thể cứu được động cơ của bạn trước khi gặp những trục trặc do quá nóng. Ngay sau đó, bạn lái xe vào làn khẩn cấp/lề đường ở vị trí an toàn, tắt máy và mở nắp ca-pô.
Ở thời điểm động cơ đang nóng, tuyệt đối không mở nắp của két nước làm mát. Với áp suất bên trong khi két nước đang nóng, việc mở nắp két nước sẽ làm bạn bị bỏng do nước sôi bên trong văng ra ngoài. Và đừng nghĩ khi động cơ nguội, bạn lại có thể di chuyển được, hãy kiểm tra hệ thống làm mát hoặc tốt nhất gọi cho cố vấn dịch vụ của xưởng sửa chữa xe mà bạn thường bảo dưỡng nó.
Theo VNE
Nguồn : http://topcarvn.com/nhung-nguyen-nhan-khien-oto-bao-dong-co-qua-nong/