Đây là máy ảnh compact mới nhất của hãng, sử dụng cảm biến APS-C với độ phân giải 24MP và BXL Maestro II, giống chiếc TL2 ra mắt vào mùa hè. Trong khi hầu hết các thông số cả hai máy đều giống nhau thì sự khác biệt duy nhất mà các bạn sẽ nhận ra ngay là sự xuất hiện của ống ngắm điện tử (EVF), điều mà TL2 không có. Leica bán ra chiếc CL này với giá 66.900.000đ cho riêng thân máy.
Để nói về chiếc CL mới này thì có lẽ chúng ta nên quay về quá khứ để biết rõ hơn về nó. Thực tế Leica đã ra mắt một chiếc CL khác từ những năm 1970 dưới sự hợp tác với Minolta, khi đó nó là máy ảnh rangefinder dùng ống ngàm M, tức là giống những máy ảnh M10 hay M-P (typ 240). Tuy nhiên, lần hồi sinh này thì Leica định vị CL là máy thuộc dòng compact nhỏ gọn có cấu hình khá giống TL2 nhưng được bổ sung EVF viewfinder và mức giá đắt hơn kha khá, 2795 USD.
Khác với T, TL, TL2 với vỏ nhôm nguyên khối được cắt rất đẹp thì CL đi theo truyền thống và cổ điển hơn với vỏ nhôm và mặt trước dán da.. Thiết kế này giống với Leica X (typ 113) cũng dùng cảm biến APS-C, ra mắt năm 2014 nhưng không thay đổi được ống kính. Tổng thể thì CL rất nhỏ gọn và nhẹ, với những người tay to như mình mà cầm lên chụp với EVF thì tay sẽ ôm toàn bộ thân máy, nếu nhìn từ một vài góc nhất định sẽ thấy toàn tay chứ không thấy máy. Nhỏ nhưng CL khá dễ để thao tác vì các nút được bố trí rất đơn giản và không hề phức tạp.
Phía trên đỉnh máy là hai núm xoay để chỉnh các chế độ chụp, điều chỉnh EV. Trên hai núm xoay này có hai nút và nếu ấn nút và xoay thì chúng ta sẽ gán để chỉnh các tính năng khác nữa. Leica CL có nút quay phim và chụp hình ở chung một nút cứng và chuyển giữa hai chế độ quay/chụp bằng nút chức năng. Nút này khi xoay sẽ là tắt hoặc mở máy, không có chế độ chụp liên tiếp ở nút này như một vài máy Leica khác. Ngoài ra, giữa hai núm xoay còn là một màn hình LCD nhỏ để hiển thị chế độ chụp và các thông số khác. Nó khá nhỏ và đơn giản so với những màn hình LCD mà bạn hay thấy trên máy DSLR.
Ống ngắm điện tử EVF được Leica đặt sát ra viền trái và trên đỉnh máy. Mình có dùng thử thì khá tốt, EVF sáng và độ phân giải cao nên mọi thứ hiển thị rất đẹp. Ống ngắm EVF này được Leica bán ra rất đắt dành cho những máy không có sẵn nhưng với CL thì bạn không phải mua nó nữa. Thực ra bạn không nên vội mừng bởi so sánh giữa TL2 và CL, một máy không EVF và một máy có thì giá chênh khá lớn, khoảng 800 USD trong khi cấu hình không khác nhau là mấy.
Mặt sau của CL có màn hình và các nút cứng, sắp xếp rất gọn gàng và ngăn nắp. Bên trái màn hình là 4 nút điều hướng, cụm nút này được dùng để truy cập và sử dụng Menu của máy. Bên phải là các nút gồm Play, FN (chức năng) và Menu, chỉ vậy thôi. Màn hình của CL cũng không phải cảm ứng như TL2.
Cấu hình của CL khá tương đồng với TL2 bao gồm cảm biến APS-C 24MP, bộ xử lý hình ảnh Maestro II của Leica, dải ISO lên tới 50.000, khả năng quay 4k/30fps hay 49 điểm lấy nét, kết nối WiFi để truyền tải hình ảnh ra thiết bị khác...
Cùng với CL, Leica còn giới thiệu ống pancake với tiêu cự 18mm/f2.8, họ gọi đây là ống góc rộng cho APS-C nhỏ nhất thế giới. Rõ ràng nó phải mỏng và nhỏ thì mới lắp được trên CL bởi tổng thể máy cũng nhỏ không kém cái ống pancake này. Tiêu cự 18mm trên APS-C cho tiêu cự 27mm tương ứng trên khổ phim 35, tức là nó tương đương tiêu cự góc rộng của hầu hết smartphone hiện nay. Ngoài ống kính góc rộng 18mm thì Leica còn những ống kính đủ dải tiêu cự khác cho máy với ngàm L để dùng cho CL, TL2 và SL. Dĩ nhiên với adapter thì người dùng cũng có thể gắn những ống kính ngàm M của Leica lên chiếc CL này.
Dưới đây là một vài hình ảnh chụp từ Leica CL, mình chụp chế độ P, định dạng raw .DNG. Sau đó cho vào Lightroom chỉnh sơ qua về tương phản, giảm highlight, tăng shadow rồi xuất với giới hạn dung lượng để cho lên Tinh tế.