Chủ động phát hiện lỗi kỹ thuật, tự nguyện triệu hồi được đánh giá là hành động thể hiện uy tín của doanh nghiệp.
Chuyên gia Mercedes-Benz kiểm tra hiện tượng lọt nước cầu trước trên xe GLC tại đại lý An Du (Hà Nội)
Việc chủ động phát hiện lỗi kỹ thuật và tự nguyện triệu hồi được đánh giá là hành động thể hiện uy tín và vị thế của một hãng lớn. Trên thế giới, có những thương hiệu liên tục triệu hồi nhưng doanh số bán xe không những không bị ảnh hưởng mà còn tăng cao.
Thời gian gần đây liên tiếp có những phản ánh của khách hàng sử dụng ô tô về các hiện tượng bất thường trên một số dòng xe như: Mercedes GLC bị lọt nước cầu trước, một loạt mẫu xe Ford lắp ráp trong nước bị lỗi hộp số hay mới nhất là hiện tượng gỉ sét trên chiếc Honda CR-V nhập khẩu từ Thái Lan…
Điều đáng nói là những trường hợp kể trên đều được phát hiện từ những người đang hàng ngày, hàng giờ sử dụng những sản phẩm được xếp vào “nguồn nguy hiểm cao độ” chứ không phải từ sự theo dõi sản phẩm của các hãng xe. Thế nhưng, trong khi khách hàng đang hết sức lo lắng về những hỏng hóc, sự cố từ những chiếc xe cũng như sự an toàn của bản thân, gia đình thì nhiều hãng xe lại đang bình chân như vại, âm thầm gọi xe về khắc phục hoặc chậm trễ công bố các thông tin để giải thích, hướng dẫn cho người tiêu dùng, không thực hiện việc triệu hồi để khắc phục hay đổ trách nhiệm cho người dùng sử dụng xe không đúng cách.
Kinh nghiệm cho thấy, việc triệu hồi là vấn đề hết sức bình thường bởi với hàng nghìn chi tiết kỹ thuật, các nhà sản xuất khó loại trừ hoàn toàn các lỗi trên một chiếc xe thành phẩm. Việc chủ động phát hiện lỗi kỹ thuật và tự nguyện triệu hồi khi chưa có bất cứ hậu quả nào do lỗi sản phẩm gây nên từ lâu đã được đánh giá là hành động thể hiện uy tín và vị thế của một hãng lớn. Trên thế giới, có những thương hiệu liên tục triệu hồi xe nhưng doanh số bán xe không những không bị ảnh hưởng mà còn tăng cao. Tuy nhiên tại Việt Nam, thuật ngữ này dường như chưa được hiểu đầy đủ và thường theo hướng tiêu cực. Điều đáng buồn là suy nghĩ này không chỉ xuất phát từ đa số người dân, khách hàng sử dụng xe mà còn với nhiều hàng xe đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Thực tế, tại thị trường Việt Nam đã có những doanh nghiệp ô tô tìm cách né tránh, che giấu các lỗi kỹ thuật để không phải triệu hồi. Chỉ đến khi bị khách hàng phát hiện, được cơ quan đăng kiểm xác định lỗi và buộc phải triệu hồi thì mới miễn cưỡng chấp hành.
Những sự việc gần đây xảy ra trên một số mẫu xe tuy vẫn chưa có những kết luận cuối cùng từ cơ quan đăng kiểm nhưng với những phản ứng chậm trễ, thậm chí mang tính đối phó khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các doanh nghiệp đang muốn ém nhẹm, che giấu những khiếm khuyết, lỗi kỹ thuật trên những sản phẩm của mình nhằm tiết kiệm chi phí và e ngại bị mất uy tín của thương hiệu?
Vì thế, đã đến lúc người tiêu dùng đòi hỏi một sự minh bạch, sòng phẳng của các hãng xe đối với quyền lợi của mình. Việc chấp hành nghiêm các quy định về triệu hồi xe cũng góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn, giảm thiểu tối đa những vụ TNGT do lỗi kỹ thuật phương tiện, đồng thời cho thấy sự trưởng thành của các doanh nghiệp ô tô đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Xe giao thông
Nguồn : http://topcarvn.com/kinh-doanh-o-can-song-phang-voi-khach-hang/