Ngành công nghiệp ô tô thế giới hiện nay đang được tiếp quản bởi các siêu tập đoàn lớn mạnh, mỗi tập đoàn là một công ty mẹ sở hữu rất nhiều thương hiệu sản xuất khác nhau. Và sự an bài ở hiện tại là thành quả nỗ lực của các tập đoàn sau một quá trình đầy biến cố và bất ngờ.
Để chứng minh luận điểm trên, chúng ta hãy nhìn vào trường hợp của Vauxhall và Opel, đây vốn là hai thương hiệu con của tập đoàn General Motor - ông lớn số 1 trong ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ, cả Vauxhall và Opel đều được bán lại cho tập đoàn PSA (Pháp) vào tháng Ba năm 2017, giá trị của thương vụ này vào khoảng 2,3 tỷ USD.
Trên thế giới hiện có hàng trăm thương hiệu xe hơi lớn nhỏ khác nhau, trong đó có gần 85 hãng thuộc quyền kiểm soát của 13 tập đoàn lớn nhất thế giới, chúng đang thâu tóm gần như toàn bộ thị trường xe ô tô ngày nay. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những điều thú vị xung quanh 13 'gã khổng lồ' này, bao gồm nguồn gốc cũng như các công ty chủ quản hiện tại.
1. Volkswagen Group
Nói về các ông lớn trong ngành công nghiệp xe bốn bánh, chắc chắn chúng ta không thể không nghĩ đến Volkswagen, đây là tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Đức. Volkswagen hiện đang là công ty chủ quản của 12 thương hiệu sản xuất xe khác nhau, với hầu hết đều là những hãng ô tô danh tiếng trên thế giới. trong đó đặc biệt có sự xuất hiện của một hãng mô tô Ducati đến từ Ý. Thực ra, mãi tới năm 2012, Ducati mới thuộc về VW, sau khi hãng siêu xe Lamborghini đứng ra mua lại.
Với danh sách dài các hãng xe cũng như một loạt dòng sản phẩm đa dạng, tập đoàn Volkswagen Group đang chiếm lĩnh hầu hết các thị trường lớn nhỏ trên thế giới ở đủ mọi phân khúc. Dưới đây là 12 thương hiệu ô tô/mô-tô thuộc VW:
- Volkswagen
- Audi
- Bentley
- Bugatti
- Lamborghini
- Porsche
- SEAT
- Skoda
- MAN
- Scania
- Volkswagen Commercial Vehicles
- Ducati
2. Daimler AG
Tiếp tục là một cái tên đến từ Đức, Daimler AG có cội nguồn từ Daimler Motoren Gesellschaft (DMG) - một hãng sản xuất động cơ được thành lập vào năm 1890 bởi hai kỹ sư thiên tài người Đức là Gottlieb Daimler và Wilhelm Maybach. Sau 36 năm tồn tại, công ty này đã sáp nhập với Benz & Cie – một thương hiệu chuyên sản xuất máy móc công nghiệp để tạo nên Daimler-Benz AG. Được biết, một trong ba người sáng lập nên Benz & Cie chính là Karl Benz, ông tổ của những chiếc xe hơi ngày nay.
Vào năm 1998, Daimler-Benz lại quyết định sáp nhập với Chrysler của Mỹ, bản hợp đồng này đã dẫn đến sự ra đời của công ty DaimlerChrysler. Tuy nhiên, sự kết hợp này lại không mang đến một thành công 'xuyên đại dương' như các nhà sản xuất mong đợi, vì vậy, DaimlerChrysler đã bán Chrysler cho công ty tài chính Mỹ - Cerberus Capital Management vào năm đầu năm 2007, với giá 6 tỷ USD. Tới ngày 4/10/2007, các cổ đông quan trọng của DaimlerChrysler đã có buổi họp và thông qua việc đổi tên công ty thành Daimler AG như ngày nay.
Hiện tại, Daimler AG đang sản xuất các xe ô tô và xe tải dưới 11 hãng xe khác nhau:
- Mercedes-Benz
- Smart
- Mercedes-Benz Trucks
- Freightliner
- Fuso
- Western Star
- Bharatbenz
- Mercedes-Benz Vans
- Mercedes-Benz Buses
- Setra (một hãng sản xuất xe bus)
- Thomas Built
3. BMW Group
BMW (Bayerische Motoren Werke AG - Công xưởng cơ khí Bayern) là tập đoàn sản xuất ô tô quan trọng của Đức, nổi tiếng trên toàn thế giới bởi sự sang trọng, thiết kế thể thao, khả năng vận hành cao trong mỗi sản phẩm (dù ở thương hiệu nào).
Ít ai biết được rằng tiền thân của BMW là Rapp Motorenwerke, công ty này được thành lập vào năm 1913, và chỉ sau 1 năm, nó đã được đổi tên thành BMW AG với giám đốc đầu tiên là Franz Josef Popp (1886-1954). Tên tuổi của BMW nhanh chóng được biết đến nhờ động cơ máy bay có bộ chế hòa khí hoạt động ở độ cao được phát minh bởi kỹ sư Max Friz vào năm 1917.
Tuy nhiên, sau Hiệp định hòa bình cấm sản xuất động cơ máy bay ở Đức trong vòng 5 năm, BMW gần như dừng hoạt động và biến cố năm 1922 khi cổ đông chính Camillo Castiglioni rời bỏ công ty mang theo các quyền về thương hiệu, đã buộc BMW phải sáp nhập với Bayerische Flugzeug-Werke, một nhà sản xuất động cơ dành cho máy bay.
Ngày 7 tháng 3 năm 1916 được coi như là ngày thành lập BMW trong lịch sử chính thức của công ty, mặc dù phải tới năm 1923, Max Friz và Martin Stolle mới thiết kế chiếc xe BMW đầu tiên, chiếc R32, và qua đó đặt nền tảng cho một con đường sản xuất mới: xe máy. Hiện tại, tập đoàn này đang nắm giữ 4 thương hiệu, bao gồm:
- BMW
- Mini
- Rolls-Royce
- BMW Motorrad
4. General Motors (GM)
Ra đời từ buổi bình minh của ngành xe hơi thế giới, General Motors, người khổng lồ công nghiệp Mỹ đã có những năm tháng phát triển hào hùng. William 'Billy' Durant sáng lập ra thương hiệu General Motors (GM) vào năm 1908 tại thành phố Flint, bang Michigan (Mỹ). Ngay từ những ngày đầu, Durant đã có tầm nhìn rất xa, ông muốn tập hợp các nhà sản xuất xe hơi riêng lẻ về một mối, thay vì cạnh tranh với nhau trên thị trường.
Trong đó, mỗi thành viên sẽ đảm nhiệm những khâu nhất định. Với ý tưởng này, Durant tăng quy mô GM lên gấp đôi vào năm 1908 bằng cách mua lại Công ty Oldsmobile. Sau đó, ông tiếp tục mua Cadillac, Cartercar, Elmore, Ewing và Oakland vào năm 1909, rồi Welch và Rainier vào những năm 1910.
Tuy nhiên, sau một thời gian khó khăn với sự cạnh tranh gay gắt và lãnh đạo yếu kém, GM phải chịu thua lỗ nặng nề, dẫn đến kết quả phải khai tử bốn thương hiệu con là Oldsmobile, Saturn, Pontiac và Hummer vào năm 2009 để tiến hành tái cơ cấu, gần đây nhất, vào năm ngoái GM cũng đã bán đi Vauxhall và Opel cho tập đoàn PSA. Trải qua rất nhiều biến cố, GM hiện đang kiểm soát 8 thương hiệu là:
- Autobaojun
- Buick
- Cadillac
- Chevrolet
- GMC
- Holden (chỉ có mặt ở thị trường Úc)
- Jiefang (một hãng sản xuất xe vận tải thương mại Trung Quốc)
- Wuling
5. PSA Group
Là cái tên duy nhất của Pháp lọt trong top những tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới, PSA Group được thành lập vào năm 1976 sau khi hai thương hiệu xe hơi danh tiếng nước Pháp là Peugeot và Citroen sáp nhập với tên gọi ban đầu là PSA Peugeot Citroen. Danh sách các thương hiệu con của PSA đã được mở rộng với việc mua lại liên doanh Vauxhall-Opel từ tay GM vào năm 2017 - một năm sau khi cái tên PSA Peugeot Citroen được rút gọn còn PSA . Hiện tại, PSA đang đóng đô tại thị trấn Rueil-Malmaison, Pháp và nắm giữ 5 thương hiệu là:
- Peugeot
- Citroën
- DS
- Opel
- Vauxhall
6. Fiat Chrysler Automobiles (FCA)
Fiat (viết tắt của '''Fabbrica Italiana Automobili Torino''', có nghĩa là Nhà máy sản xuất ôtô Italia tại Turin) là một hãng ô tô của Ý, được thành lập ngày 11/07/1899 tại Torino, Ý. Tập đoàn này do một nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Giovanni Agnelli, thành lập năm 1899. Hoạt động ban đầu của tập đoàn tập trung chủ yếu vào việc sản xuất xe con, xe chuyên dụng cho ngành công nhiệp và nông nghiệp. Sau này, tập đoàn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Vào năm 1926, Chrysler Motor Corporation mới được thành lập bởi kỹ sư cơ khí Walter P. Chrysler, và mãi tới tháng 10 năm 2014, Fiat và Chrysler - hai tập đoàn xe hơi hàng đầu của Ý và Hoa Kỳ - mới chính thức về chung một nhà. Hiện nay, Fiat Chrysler Automobiles (FCA) đang là tập đoàn công nghiệp lớn nhất của Ý, hoạt động đã vươn ra 61 quốc gia trên toàn cầu với 1.063 công ty, 223.000 nhân viên, trong đó có 111.000 người nước ngoài.
FCA đang nắm giữ trong tay 9 thương hiệu con, sau khi hãng siêu xe Ferrari ra đi vào năm 2016:
- Chrysler
- Dodge
- Jeep
- Ram
- Fiat
- Alfa Romeo
- Fiat Professional
- Lancia
- Maserati
7. Ford Motor Company (FMC)
Có trụ sở tại Dearborn, Michigan, ngoại ô Detroit, Ford Motor Company được thành lập bởi Henry Ford và các cổ đông vào ngày 16 tháng 6 năm 1903. Chỉ 5 năm sau đó, nhà sản xuất xe thuộc top hàng đầu thế giới tung ra Model T chinh phục toàn bộ người tiêu dùng nhờ số lượng sản xuất khổng lồ và giá bán bình dân.
Cũng từng nắm trong tay khá nhiều thương hiệu nhưng sau khi bán Jaguar và Land Rover cho Tata của Ấn Độ vào tháng 3 năm 2008, 'rũ bỏ' Aston Martin và Volvo, hiện chỉ có hai nhãn hiệu thuộc quyền kiểm soát của Ford Motor Company là:
- Ford
- Lincoln
8. Tata Group
Được đặt tên theo người thành lập là Jamsetji Nusserwanji Tata, Tata hiện là một trong những tập đoàn công ty lớn nhất của Ấn Độ với quy mô hoạt động trên hơn 40 quốc gia ở 6 lục địa, và đa dạng các loại hình kinh doanh từ dệt may, kinh doanh khách sạn cho tới sắt thép.
Thực tế, tiền thân của Tata Group là công ty thương mại tại Mumbai (sau này là Bombay) của Ấn Độ được ra đời vào năm 1868. Mãi đến năm 1945, Tata Motors được thành lập và đặt chân vào ngành công nghiệp ô tô. Như đã đề cập ở trên, Tata đã mua lại hai thương hiệu xe sang của Anh là Jaguar và Land Rover vào năm 2008. Nhờ đó, Tata Group hiện đang tiếp quản 4 thương hiệu xe hơi là:
- Tata
- Land Rover
- Jaguar
- Tata Daewoo Commercial Vehicle Company
9. Toyota Motor Corporation
Toyota Motor Corporation (Toyota Jidosha Kabushiki-gaisha?) là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Nhật Bản, và là từng nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2015. Được thành lập chính thức vào ngày 28 tháng 8 năm 1937, sự xuất hiện của Toyota khi đó đã mở ra một kỷ nguyên với những thành công rực rỡ trong ngành công nghiệp ôtô.
Trước đó, vào năm 1934 chiếc xe mẫu đầu tiên ra đời của Toyoda Automatic Loom Works đã ra đời và được đưa vào sản xuất đại trà vào một năm sau đó dưới tên gọi Toyota A1. Tuy nhiên do A1 không được ưa chuộng, nên tập đoàn Nhật Bản đã lập tức chuyển hướng sản xuất một chiếc xe tải, đó là G1 sử dụng cùng một động cơ và khung gầm (kéo dài một chút) của A1. Hiện tại, tập đoàn Toyota đang điều hành 4 nhãn hiệu xe hơi là:
- Toyota
- Lexus
- Hino
- Daihatsu
10. Honda Motor Company
Tên tuổi Honda không chỉ quen thuộc với người Việt Nam mà còn là một thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới bởi đây là một hãng xe Nhật Bản có lịch sử hình thành – phát triển đầy thăng trầm và đáng nể. Trước khi trở thành một tập đoàn sản xuất xe hơi lớn mạnh như hiện nay, Honda từng chỉ được biết đến là nhà sản xuất xe máy với động cơ tiết kiệm nhiên liệu hàng đầu.
Được thành lập vào năm 1948 bởi Sochiro Honda và Takeo Fujisawa, Honda Motor Company chính thức bán ra những chiếc xe máy đầu tiên chỉ một năm sau đó, nhãn hiệu xe máy Nhật Bản gắn liền với tên tuổi và cuộc đời của Soichiro Honda - một người đầy đam mê và nhiệt huyết.
Sau 15 năm chinh phạt ở thị trường xe máy, Honda mới quyết định tham gia thế giới của những chiếc ô tô hạng nhẹ bằng mẫu xe tải cỡ nhỏ T360 và chiếc xe thể thao S500. Hiện nay, tập đoàn Honda đang sở hữu ba thương hiệu con là:
- Honda
- Acura
- Honda Powersports
11. Hyundai Motor Company
Mặc dù chỉ nắm giữ ba thương hiệu con là Hyundai, Genesis và Kia, nhưng Hyundai Motor Company cũng rất thành công khi các mẫu xe thuộc Hyundai Motor Company đang phủ sóng rộng rãi trên toàn cầu.
Tiền thân của tập đoàn Hyundai chỉ là một công ty xây dựng Hàn Quốc thành lập vào năm 1947, tuy nhiên 20 năm sau đó, với sự phát triển lớn mạnh, công ty này đã quyết định chen chân sang lĩnh vực sản xuất xe ô tô. Những chiếc xe đầu tiên mà hãng này sản xuất là Ford Cortina theo giấy phép của thương hiệu xe hơi nước Mỹ. Sau 10 năm thử sức trong mảng ô tô, tới năm 1976, Hyundai mới chính thức ra mắt mẫu xe đầu tiên của riêng mình, tên là Pony.
Thương hiệu Kia Motors sáp nhập vào tập đoàn Hyundai từ năm 1997 do phá sản. Thực tế, hoạt động kinh doanh đầu tiên của Kia là sản xuất xe đẹp (năm 1944), mãi tới năm 1962, Kia Motors mới lấn sân vào mảng xe hơi từ năm 1962 với việc sản xuất những chiếc xe tải 3 bánh K-360 dưới sự cho phép của Mazda.
Hiện tại các mẫu xe của cả Hyundai và Kia đều có chỗ đứng trên thị trường xe ô tô thế giới với phong cách hiện đại và giá bán khá bình dân. Gần đây nhất, thương hiệu xe sang Genesis của Hyundai mới xuất hiện để nhắm tới các khách hàng cao cấp hơn.
12. Renault-Nissan-Mitsubishi
Liên minh Renault-Nissan hình thành từ sự kết hợp giữa tập đoàn Renault của Pháp và thương hiệu Nissan của Nhật từ gần hai thập kỷ trước, 'cuộc hôn nhân' của Renault-Nissan diễn ra rất tốt đẹp. Để tăng quy mô sản xuất, tháng 10 năm 2016, liên minh này chịu chi 2,3 tỷ USD để mua Mitsubishi và đổi tên thành Renault-Nissan-Mitsubishi. Sau sự kết nạp mới, liên minh ba thương hiệu hoạt động rất ổn định, bằng chứng là một năm 2017 vô cùng thành công khi Renault-Nissan-Mitsubishi đã trở thành tập đoàn sản xuất xe ô tô lớn nhất trong năm 2017 với 10,6 triệu xe.
Thực tế, nếu xét về doanh số, ngôi vị này lẽ ra sẽ thuộc về Tập đoàn Volkswagen với tổng doanh số 10,74 triệu xe bán ra trong năm qua, tuy nhiên, do ảnh hưởng dai dẳng từ bê bối gian lận khi thải Dieselgate năm 2016 nên danh hiệu trên đã được nhường lại cho liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi. Hiện tại, có tới 10 thương hiệu đang thuộc quyền kiểm soát của Renault-Nissan-Mitsubishi:
- Renault
- Nissan
- Mitsubishi
- Dacia
- Alpine
- Infiniti
- Datsun
- Lada
- Renault
- Venucia
13. Zhejiang Geely
Có trụ sở tại Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, và trực thuộc quyền quản lý của Zhejiang Geely Holding, Geely Auto được thành lập từ năm 1997, nhưng tới giờ cái tên Geely mới đang dần trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng trên khắp thế giới nhờ những lần ra mắt sản phẩm ấn tượng gần đây.
Với vốn đầu tư mạnh mẽ và các nhà lãnh đạo tài ba cùng những chiến lược thông minh, tập đoàn Trung Quốc đã thâu tóm được không ít tên tuổi lớn, nhỏ trên thế giới. Tổng số thương hiệu xe hơi Geely đang sở hữu lên con số 9 bao gồm:
- Geely Auto
- Volvo
- Lotus
- Proton,
- London EV Company
- Polestar
- Lynk & Co
- Yuan Cheng Auto
- Terrafugia.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/tim-hieu-gia-pha-cua-13-tap-doan-san-xuat-o-to-hang-dau-the-gioi.html