Nhiều dự án mở rộng, nâng cấp đường theo hình thức BOT gây bức xúc dư luận
Một loạt các trạm BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) ra đời cùng với dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đã khiến người dân tại nhiều tỉnh, thành phố bức xúc vì khoảng cách đặt trạm quá dày, phí quá cao. Trước thực trạng này, Thanh tra Bộ GTVT vừa kiến nghị giảm phí một loạt trạm BOT.
Mối nguy mất an ninh trật tự
Tình trạng người dân tập trung tại các trạm thu phí BOT phản đối phí cao, vị trí đặt trạm vô lý đang diễn ra với tần suất ngày một dày hơn, gây mất trật tự an toàn xã hội, ATGT. Từ đầu tháng 12-2016 đến nay, tại trạm thu phí cầu Bến Thủy (nối tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh), đã 2 lần người dân trên địa bàn chặn trạm BOT để phản đối.
Nhiều lái xe ở Hà Tĩnh cho biết không sử dụng đường mà nhà đầu tư làm nhưng vẫn phải nộp phí. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc tương tự tại trạm thu phí này. Đến mức, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có lần kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét di dời trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và 2.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, việc đặt trạm thu phí ở vị trí hiện tại khiến nhiều người dân ở huyện Nghi Xuân không đi trên tuyến đường BOT nhưng vẫn phải đóng phí là không hợp lý. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị giảm giá vé qua trạm vì mức thu hiện nay quá cao.
Trước phản ứng khá gay gắt của người dân địa phương, vào giữa tháng 12-2016, Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) - chủ đầu tư dự án BOT cầu Bến Thủy đã quyết định giảm phí vé tháng cho người dân địa phương với mức 900.000 đồng/tháng cho xe dưới 12 chỗ, xe trọng tải dưới 2 tấn; 1,235 triệu đồng/tháng với xe từ 12 đến 30 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn như thời điểm đầu năm 2016. Mức phí áp dụng với các vé mua từ tháng 12-2016.
Dự án nào cũng có “vấn đề”
Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ GTVT tính toán, giảm phí tại nhiều dự án BOT, giảm gánh nặng phí đường bộ lên vai người dân. Đồng thời, qua nhiều đợt thanh tra, kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các dự án BOT và kiến nghị rút ngắn thời gian thu phí cũng như giảm mức phí tại nhiều dự án.
Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, trong năm 2016, Thanh tra Bộ chủ trì triển khai tổng số 53 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 31 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và 22 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị xử lý đối với một số dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Cụ thể, cơ quan thanh tra đã xử lý kinh tế tổng số hơn 3.746 tỷ đồng, trong đó giảm trừ giá trị dự án so với giá trị hợp đồng BOT đã ký kết là gần 2.440 tỷ đồng; tăng doanh thu, giảm trừ chi phí trong phương án tài chính hơn 1.277 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, nhiều dự án hợp đồng BOT cũng được kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn như: dự án mở rộng QL1A đoạn tránh TP Thanh Hóa giảm 19 năm 11 tháng; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Km734+600 - Km765, Đắk Nông giảm 10 năm 7 tháng; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Km1610 - Km1667+570 (Cầu 110) Pleiku, tỉnh Gia Lai giảm 8 năm 4 tháng.
Tương tự, dự án cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Vĩnh Yên - Nội Bài (Km7+880 - Km29+800) giảm 6 năm 9 tháng; dự án cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ (Km92+900 ÷ - Km98+400) giảm 2 năm 5 tháng; dự án xây dựng cầu Yên Lệnh, QL38 theo hình thức hợp đồng BOT trong nước giảm 4 năm 3 tháng…
Trước việc các dự án BOT tiếp tục gây bức xúc, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội ATGT, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ tới đây, các cơ quan hữu quan cần quan tâm luật hóa vấn đề này.
“Cần quy định, những dự án nâng cấp, cải tạo trên nền đường cũ nếu muốn lập trạm thu phí BOT thì phải mở rộng thêm làn đường. Còn nếu không mở rộng thì không được phép tổ chức thu phí”, ông Nguyễn Văn Quyền nêu ý kiến.
Ngân Tuyền (ANTĐ)