Grab và Uber tương tự nhau
Mặc dù hoạt động tại Việt Nam đã 2 năm nay nhưng đến nay, bản chất của Uber là gì vẫn còn gây tranh cãi trong bản thân các cơ quan chức năng. Và đây cũng là kẽ hở để các công ty lách luật. Như Uber, nhiều chuyên gia cho rằng, bản chất là hoạt động vận tải, vì Uber trực tiếp tham gia vào điều hành xe, tính giá cước nhưng lại đăng ký kinh doanh là cung ứng phần mềm công nghệ.
Theo Tiến sỹ Võ Trí Hảo, Khoa Luật (Đại học Kinh tế TP.HCM), mặc dù Uber chưa được Bộ GTVT cho phép hoạt động thí điểm, tuy nhiên đối với loại hình dịch vụ tương tự như Grab, Bộ GTVT và các cơ quan quản lý thuế ở TP.HCM đã coi dịch vụ kết nối giữa lái xe với hành khách là mô hình cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ và chịu mức thuế giá trị gia tăng là 5%.
Cần truy thu thuế và tính toán lại mức thuế mà Bộ Tài chính áp dụng với Uber
Tuy nhiên, theo Công văn mới đây của Bộ Tài chính về hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải.
'Như vậy, đối với dịch vụ phần mềm kết nối của Uber, Bộ Tài chính coi đó là một bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải, chứ không phải là dịch vụ khoa học công nghệ mặc dù dịch vụ của Uber không có gì khác biệt so với Grab.
Qua khảo sát, rất nhiều quốc gia cũng đã tiếp nhận ứng xử với Uber là phần mềm kết nối lái xe và hành khách, một bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải. Bộ Tài chính coi Uber là dịch vụ phần mềm kết nối tài xế và hành khách tỏ ra là lựa chọn khôn ngoan nhất, mặc cho tính khoa học của nó còn gây ra nhiều tranh cãi”, ông Hảo nhận xét.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bất kể trường hợp hoạt động kinh doanh tương tự nhau đều phải đánh thuế một cách công bằng.
“Nếu như Grab hoặc một hình thức khác mà đánh thuế 5% vì liệt vào dạng công nghệ, mà Uber là 3% thì trong trường hợp này có lẽ cần phải xem xét lại', ông Hiếu bày tỏ.
Uber phải có nghĩa vụ đóng thuế
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, xoay quanh dịch vụ Uber có 2 vấn đề nổi cộm mà các nhà quản lý cần đặc biệt lưu tâm xem xét đó là xác định hình thức kinh doanh của Uber tại Việt Nam và vấn đề bảo vệ quyền lợi hành khách.
Về vấn đề xác định hình thức kinh doanh, ông Tuấn cho rằng nếu xác định Uber là dịch vụ kết nối vận tải như Công ty này vẫn khẳng định thì Việt Nam có thể toàn quyền quyết định quản lý vì trong danh mục dịch vụ cung cấp qua biên giới trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không có dịch vụ kết nối vận tải.
Đối với bảo vệ quyền lợi cho hành khách, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đã nghiên cứu kỹ các hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Uber và nhà cung cấp dịch vụ vận tải, cũng như giữa Uber và khách hàng và nhận thấy rằng Uber hoàn toàn không chịu trách nhiệm về bất cứ vấn đề gì và mọi khiếu nại, tranh chấp sẽ được xử lý tại tòa án và theo pháp luật Hà Lan.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, toàn bộ doanh thu vận chuyển chuyển khoản do Uber thu về Hà Lan sau đó chuyển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam 80%. Doanh thu bằng tiền mặt tổ chức, cá nhân vận tải giữ lại 80%, sau đó chuyển cho Uber 20%. Như vậy có thể thấy Uber kiểm soát toàn bộ doanh thu.
“Cơ quan thuế sẽ phải xác định doanh thu quy đổi để tính thuế cho cả phía Uber Hà Lan và đối tác vận tải Việt Nam thông qua số tiền chuyển 20% trả cho Uber qua tài khoản để quy đổi 100% phát sinh”, bà Cúc phân tích.
Đề cập đến việc truy thu thuế Uber, bà Cúc cho biết, chính sách thuế hiện hành đã điều chỉnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, do vậy, kế từ khi có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thì Uber phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ngân Tuyền (ANTĐ)