Ngày 29/11, tại Hà Nội, 'Hội thảo xây dựng khung pháp lý cho dịch vụ công nghệ kết nối vận tải' được tổ chức với mục tiêu đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải trên nền tảng công nghệ thông tin nào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp lý.
Những ý kiến trong hội thảo đã tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai, qua đó đáp ứng yêu cầu của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động.
Uber, Grab cạnh tranh với taxi truyền thống rất căng thẳng
Ông Brooks Entwistle, TGĐ Kinh doanh Uber Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện Uber cho rằng lợi ích của việc chia sẻ phương tiện giúp giảm tắc đường, khan hiếm chỗ đỗ xe vốn đang ngày nghiêm trọng. Theo Uber, nếu công nghệ chia sẻ phương tiện thay thế được phương tiện cá nhận thì có thể giảm bớt từ 40 tới 70% lượng xe cá nhân đang lưu thông, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, PGS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, Trường đại học GTVT lại cho rằng: 'Mục tiêu giảm lưu lượng xe trên đường, giảm tắc đường thì Uber, Grab không làm được, thậm chí, đây là nguyên nhân gây tắc đường'. Theo ông, rất nhiều thành phố trên thế giới nói không với Uber vì thậm chí còn gây tắc đường hơn so với lúc chưa có. Ngoài ra ông Sùa cũng e ngại 2 năm kể từ sau khi Uber hoạt động tại Việt Nam, bây giờ mới xây dựng khung pháp lý cho taxi công nghệ liệu có quá chậm hay không?.
PSG-TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, Trường đại học GTVT (Ảnh:dantri)
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng Uber và Grab không giúp giảm lượng xe do khi dịch vụ này phát triển nhanh tại Việt Nam, nhiều người tham gia giao thông hơn, lượng xe mua để kinh doanh loại hình dịch vụ nhiều hơn. Cùng với đó, những dịch vụ này chỉ chạy 1 chiều và hiện tại chỉ phổ biến ở các thành phố lớn.
Trên thực tế, không thể phủ nhận sự xuất hiện của Uber, Grab đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho cả lái xe, người sử dụng và chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách cá nhân nói chung. Cốt lõi của dịch vụ là sự chia sẻ chuyến đi nên vừa đảm bảo hiệu suất sử dụng xe cao nhất, số km rỗng thấp nhất, từ đó giúp giá thành vận chuyển cũng hấp dẫn nhất. Đây là loại hình dịch vụ khá rõ ràng và minh bạch xét trong mối quan hệ hành khách - lái xe, đồng thời được cho là có mặt bằng chất lượng dịch vụ cao hơn hẳn taxi truyền thống.
Cùng với đó, sự cạnh tranh giữa Uber, Grab với taxi truyền thống đã mang lại hiệu quả tích cực cho người tiêu dùng - hành khách - khi chất lượng dịch vụ của taxi truyền thống thời gian gần đây đi lên rõ rệt với những cải tiến về công nghệ cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Cũng tại buổi hội thảo, tiền thuế là chủ đề được mang ra tranh luận khá gay gắt. Các tài xế Uber, Grab có mặt cho rằng tiền thuế đóng cho nhà nước của họ đang được Uber, Grab thu hộ theo hình thức chia phần trăm mỗi chuyến ở tất cả mọi chuyến xe. Từ trước tới nay, taxi truyền thống có thể chở khách ngoài, chạy thêm mà không có sự kiểm soát, tuy nhiên nhiều hãng taxi truyền thống lại cho rằng Grab, Uber không đóng thuế, dẫn đến sự không hợp lý trong khâu quản lý.
Vấn đề quyền lợi của tài xế và hành khách cũng được thảo luận, khi các chuyên gia cho rằng, taxi truyền thống thì mua bảo hiểm cho hành khách và tai nạn còn taxi công nghệ thì khách hàng có thể mất quyền lợi nếu tài xế không mua bảo hiểm rủi ro tai nạn. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, điều này chưa hoàn toàn chính xác bởi khi xe lưu thông buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, trong đó có bảo hiểm hành khách trên xe...
Trong khuôn khổ thảo luận về khung pháp lý, một số ý kiến cho rằng cần phải minh bạch giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, cụ thể là Uber, Grab cần có nhận diện thương hiệu rõ ràng. Về phần mình, các hãng taxi truyền thống cũng cần phải tự đổi mới để hòa nhập với thời đại công nghệ đang dần lan tỏa.
Sơn Phạm (LSVN)