Sau hai lần bị trả lại hồ sơ, mới đây Uber đã được Bộ GTVT thông qua đề án thí điểm mô hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi.
Như vậy, sau Grab, Uber là công ty nước ngoài thứ hai được cấp phép thí điểm kinh doanh xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam, cùng với sự tham gia của một số hãng taxi trong nước như Vinasun Taxi (ứng dụng V.Car), Thành Công Taxi (ứng dụng Thanh Cong Car), Sun taxi (ứng dụng S Car) và VIC taxi (ứng dụng Vic Car).
Hiện nay, trong số các hãng taxi truyền thống triển khai ứng dụng, hiện mới có Vinasun Taxi cung cấp dịch vụ đặt xe nhàn rỗi giống như Uber và Grab.
Từ khi hoạt động tới nay, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, mô hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử đã thu hút được nhiều khách hàng nhờ tính linh hoạt, giá cước thấp và chất lượng dịch vụ cao. Hình thức này được dự báo là xu hướng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, buộc các doanh nghiệp đang hoạt động theo các phương thức cũ phải thay đổi... hoặc là chết.
Bình luận về thông tin này, anh Đặng, một tài xế đối tác của Uber tại Hà Nội, cho biết anh rất vui mừng vì từ nay không lo bị thanh tra giao thông xử phạt vì nữa. Anh chia sẻ thêm, trước đây, khi trưa được cấp phép, không ít tài xế Uber đã bị xử phạt rất nặng, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập.
Trước đó, Uber đã bị từ chối cấp phép hai lần vì lý do không hoàn thiện đủ hồ sơ, lần đầu tiên từ tháng 11/2015 và lần thứ hai gần đây là tháng 2/2017.
Đức Việt
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)