Lí do được Bộ Công thương viện dẫn là những quy định hiện tại chưa tính tới loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua ứng dụng thương mại điện tử, nên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình là đơn vị cung cấp các ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải.
Điều này dẫn tới hệ luỵ các đơn vị như Uber, Grab không chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách, người tham gia giao thông trong khi họ là đơn vị thu tiền dịch vụ vận tải.
Ngoài ra, nếu đơn vị thí điểm là doanh nghiệp nước ngoài thì việc cho phép hoạt động sẽ không phù hợp với quy định 'không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới' của Việt Nam trong WTO.
Vì vậy, Bộ này đề nghị cần sửa đổi quy định xác định đây là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, chứ không chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm.
Ngoài sửa quy định trên, Bộ Công thương cũng cho rằng, cần bổ sung khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan liên quan như thuế, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải để quản lý loại hình vận tải kết nối theo hợp đồng này.
Cuộc tranh cãi trong kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab vẫn chưa có hồi kết. Trong khi taxi truyền thống một mực đòi làm rõ mô hình hoạt động, ưu đãi của Uber, Grab thì các đơn vị này lại cho rằng mình không làm sai luật. Đã có những kiến nghị 'dừng khẩn cấp' Uber, Grab nhưng đã không được cơ quan quản lý chấp thuận.
Trong cuộc đua tranh này, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã chuyển hướng kinh doanh, cắt giảm hàng nghìn lao động. Đơn cử, Vinasun đã giảm gần 7.300 người đến hết quý III/2017, tăng 2.000 người so với cách đó 3 tháng. Một 'ông lớn' khác trong kinh doanh taxi truyền thống là Mai Linh cũng giảm tới 6.000 nhân sự...
Tuy nhiên, kinh doanh của Uber, Grab tại Việt Nam không hẳn đã suôn sẻ. Theo báo cáo kinh doanh 3 năm qua của Grab tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang lỗ 938 tỷ đồng.
Lan Ngọc (Tuoitrethudo)
Nguồn : http://xehay.vn/bo-cong-thuong-de-nghi-sua-doi-mot-so-quy-dinh-lien-quan-toi-uber-grap.html