Sarmat, hiện đang trong quá trình phát triển tại Cục thiết kế rocket Makayev ở thành phố Mjass, là câu trả lời của Nga cho chương trình “Tấn công toàn cầu chớp nhoáng” của Mỹ.
Vào hôm 23-10, Makeyev đã lần đầu đăng tải hình ảnh của mẫu tên lửa này cùng dòng chú thích: “Theo sắc lệnh của Bộ Quốc phòng Nga vào năm 2010, Cục thiết kế rocket Makeyev đã kí hợp đồng phát triển tên lửa Sarmat. Loại tên lửa này được tạo ra nhằm đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của lực lượng chiến lược Nga”. Đoạn chú thích được kí tên bởi 2 trưởng phòng thiết kế V. Degtar và Y. Kaverin.
Tên lửa Sarmat có khả năng triển khai từ hầm phóng cố định hoặc xe chở lưu động
Sarmat, có thể được triển khai từ hầm phóng cố định cũng như xe chở lưu động, sẽ thay thế tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-36 đã đi vào phục vụ từ năm 1970. Với trọng tải lớn, Sarmat được cho là có thể mang được 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn hạng nhẹ, cùng khả năng bay lượn linh hoạt hay chịu được các hệ thống gây nhiễu của đối phương.
Tên lửa Sarmat có thể đóng vai trò là phương tiện mang theo đầu đạn siêu thanh đang được phát triển của Nga, vốn có kế hoạch biên chế vào năm 2020 hoặc 2025. Đầu đạn này nằm trong Dự án 4202, khi tách khỏi tên lửa đẩy nó sẽ lao xuống mục tiêu với vận tốc Mach 7 đến Mach 12.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, cuộc thử nghiệm thả (drop test) tên lửa Sarmat sẽ được thực hiện vào cuối năm 2016. Nếu bài thử nghiệm thả diễn ra suôn sẻ, các kĩ sư sẽ bắt đầu chuẩn bị cho bài thử nghiệm bay từ cuối quý 1-2017. Bài thử nghiệm thả sẽ kiểm tra cấu trúc của tên lửa Sarmat và xem liệu động cơ có được kích hoạt theo đúng thiết kế hay không.
Đặng Vũ (ANTĐ)