Theo cáo trạng, Tesla đã bán chứng quyền cho JPMorgan Chase vào hồi năm 2014. Các chứng quyền này hết hạn vào tháng 6 và tháng 7 năm 2021. Ban đầu, mức giá thực thi mà Tesla và JPMorgan thỏa thuận là 560 USD (~ 12,7 triệu VNĐ). Trong trường hợp giá cổ phiếu của Tesla cao hơn giá thực thi vào thời điểm chứng quyền hết hạn, hãng xe điện sẽ phải giao lại cho JPMorgan khoản chênh lệch.
Tranh chấp nảy sinh khi tỷ phú Elon Musk đăng tải một dòng tweet rằng sẽ đưa Tesla trở thành công ty tư nhân với mức giá 420 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ sau 17 ngày, Elon Musk từ bỏ kế hoạch tư nhân hóa Tesla. Sau các dòng tweet từ nhà sáng lập Tesla, JPMorgan đã phải thực hiện quyền điều chỉnh giá chứng quyền hai lần - đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.
JPMorgan cho rằng hai lần điều chỉnh giá chứng quyền của mình đều là phù hợp và cáo buộc Tesla đã bán chứng quyền để giảm khả năng pha loãng cổ phiếu từ việc bán trái phiếu chuyển đổi riêng biệt nhằm giảm thuế thu nhập liên bang của công ty. Trong khi đó, công ty sản xuất xe điện lại lập luận rằng hành động của JPMorgan 'nhanh chóng một cách vô lý và cho thấy việc cố gắng lợi dụng những thay đổi về sự biến động trong cổ phiếu Tesla'.
Trong thời gian tiếp theo, giá Tesla rớt xuống đáy ba năm, xuống dưới 177 USD/cổ phiếu vào tháng 6/2019. Nhưng đến tháng 12 cùng năm, giá cổ phiếu Tesla lại vượt qua mốc 420 USD. Khi chứng quyền hết hạn, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng gần 10 lần - JPMorgan cho biết hãng xe điện phải giao lại phần chênh lệch bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt theo như điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, Tesla từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo các điều khoản về giá thực thi đã ký trước đó. Do đó, Tesla sẽ phải trả ngay hơn 162 triệu USD cho JPMorgan Chase.
Cùng với tình tiết trong vụ kiện này, dòng tweet vào năm 2018 đã dẫn đến một cuộc điều tra của SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ) cùng mức tiền phạt 20 triệu USD đối với cả Elon Musk và Tesla.
Quang Hưng (Tuoitrethudo)
Theo: Carscoops