Đáng chú ý, 'mang tiếng' là tàu cũ với tuổi đời 40 năm nhưng 37 toa tàu của Nhật Bản lại là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu đường sắt Việt Nam hiện nay (nếu được nhập khẩu về).
Đây là loại toa xe tự vận hành chuyên phục vụ chở khách, được sản xuất từ năm 1979 đến năm 1982, có trang bị ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản.
Các toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn xe với quy mô tùy theo nhu cầu sử dụng, giúp chi phí khai thác giảm xuống và tần suất khai thác sẽ tăng lên, linh hoạt hơn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp bất cứ vấn đề nghiệm trọng về an toàn và chất lượng.
Đây là các toa tàu vẫn đang được khai thác bình thường tại Nhật Bản, chúng được bảo dưỡng thường xuyên và có thể tiếp tục vận hành tốt nếu được bảo trì tốt, ít nhất là 15 năm nữa.
Biết được rằng điều kiện đường sắt của Việt Nam phù hợp với loại tàu này (khổ đường sắt nước ta là 1 mét, hẹp hơn 67 mm so với bên Nhật Bản), nên Nhật Bản đã quyết định chuyển giao miễn phí 37 toa tàu cho Đường sắt Việt Nam thay vì bán cho Philippines và Indonesia.
Sau khi nhập 37 toa tàu này về, VNR sẽ phải chi ra khoảng 140 tỷ đồng để vận chuyển tàu về nước, cải tạo, nâng cấp...Trong khi nếu mua mới 37 toa tàu thì sẽ mất tới 1.110 tỷ đồng, không phù hợp với tình trạng hiện tại của VNR. Trải qua 2 năm dịch bệnh, 2 công ty đường sắt nước ta đã mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ năng lực để vay vốn.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)
Ảnh: JR-EAST