Bến xe Mỹ Đình dự kiến bị di dời sau năm 2025
Di dời hết các bến xe khách khỏi nội đô
UBND TP Hà Nội vừa có công văn xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm trung chuyển trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, 4 bến xe khách liên tỉnh hiện có của Hà Nội sẽ được được chuyển chức năng thành bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt....
Công văn của UBND TP Hà Nội đưa ra nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và giao các sở, ngành triển khai lập đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm trung chuyển trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến thời điểm này, các nội dung trong đồ án cũng được hội đồng thẩm định thành phố cho ý kiến, cơ bản hoàn chỉnh và để triển khai thực hiện, thành phố đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ GTVT cho ý kiến về nội dung được đề cập trong bản Quy hoạch.
Theo Quy hoạch của TP Hà Nội, mạng lưới bến xe khách liên tỉnh sẽ được bố trí trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4) theo các hướng, kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Do đó, sẽ từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có đang khai thác sử dụng trong Vành đai 3 hiện nay ra khu vực Vành đai 4.
Cụ thể, Bến xe liên tỉnh Gia Lâm (diện tích 1,45ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).
Bến xe khách Mỹ Đình (diện tích 3,5ha) dự kiến sau năm 2025 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Mỹ Đình sẽ được chuyển về bến Cổ Bi, Nội Bài, Phùng và bến xe phía Tây.
Bến xe khách Giáp Bát (diện tích 3,65ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của Bến xe Giáp Bát sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Yên Nghĩa và Bến xe phía Nam (Ngọc Hồi). Bến xe Nước Ngầm sẽ được nâng cấp cải tạo trong giai đoạn trước mắt, dự kiến sau năm 2025, khi xây dựng mới bến xe phía Nam thì chuyển thành đầu mối giao thông công cộng. Các tuyến của Bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển về Bến xe Cổ Bi và Bến xe phía Nam.
Xây mới 7 bến xe khách liên tỉnh
Để thay thế, Hà Nội sẽ xây mới hàng loạt bến xe khách liên tỉnh theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc. Đồng thời, vùng lõi đô thị từ Vành đai 3 trở vào sẽ được ưu tiên cho các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng nhằm sử dụng tối đa diện tích đất hiện có. Bên cạnh đó, thành phố chủ trương rà soát tổng thể các dự án được đồng ý thực hiện trước đây, nhưng chậm triển khai, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các nhà đầu tư nếu không tiếp tục triển khai sẽ chịu thu hồi dự án.
Hà Nội sẽ xây mới hàng loạt bến xe khách liên tỉnh theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc, cụ thể là: Xây mới bến xe liên tỉnh phía Bắc - Bến xe Nội Bài với diện tích 10ha (vị trí giao giữa đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Bắc Thăng Long - Nội Bài, giáp tuyến đường sắt đô thị số 6). Xây mới Bến xe khách Đông Anh có diện tích 5,3ha (nằm tại điểm giao cắt quốc lộ 3 với đường Vành đai 3, giáp tuyến đường sắt đô thị số 4). Xây mới Bến xe Cổ Bi, rộng 10ha (nằm tại vị trí kẹp giữa đường sắt vành đai và quốc lộ 5 thuộc xã Cổ Bi, giáp tuyến đường sắt đô thị số 1). Xây mới Bến xe khách phía Nam rộng 11ha (đề xuất tại phía Nam Khu công nghiệp Ngọc Hồi, phía Đông Ga Ngọc Hồi), bảo đảm kết nối thuận lợi với tuyến đường sắt đô thị số 1. Xây mới Bến xe khách Yên Nghĩa trên vị trí bến xe hiện nay. Xây mới Bến xe khách liên tỉnh phía Tây rộng 5ha (nằm cạnh nút giao Vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long, giáp tuyến đường sắt đô thị số 5); Bến xe khách liên tỉnh Phùng rộng 15ha (nằm sát vị trí giao giữa quốc lộ 32 và đường Vành đai 4, giáp tuyến đường sắt đô thị số 3)...
Từ năm 2003, Hà Nội đã lập Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng đến 2020. Tuy nhiên, do buông lỏng giám sát nên quỹ đất dành cho giao thông tĩnh theo quy hoạch bị sử dụng vào nhiều mục đích khác, dẫn đến không khả thi thực hiện. Hệ quả, thành phố luôn trong tình trạng thiếu hệ thống bến bãi xe khách, xe tải, trung tâm tiếp vận phục vụ hàng hóa liên tỉnh. Các phương tiện vận tải lưu đậu trên lòng đường, chở hàng kích thước lớn vào trung tâm gây mất an toàn giao thông, ách tắc và khó quản lý. Bến xe khách tại các vị trí tốt đều quá tải khiến việc tổ chức giao thông, phân luồng vận tải hành khách liên tỉnh gặp nhiều khó khăn, tổ chức đón trả khách ra vào bến chưa hợp lý, kết nối hệ thống giao thông bên ngoài chưa đồng bộ.
Cụ thể như bến xe Mỹ Đình do quá tải nên đầu năm 2017, Sở GTVT Hà Nội đã phải thực hiện điều chuyển gần 700 “nốt” xe về các bến như Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Giáp Bát. Tuyến đường Vành đai 3 vốn là đường vành đai nhưng cũng đã trở thành tuyến đường xuyên tâm, thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc. Thêm vào đó, khoảng 400 lượt xe khách liên tỉnh quá cảnh qua Hà Nội (chủ yếu đi dọc theo Vành đai 3) cũng đã được điều chuyển theo lộ trình khác. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng phương tiện (ô tô, xe máy) tăng nhanh, bình quân trên 15%/năm với xe máy và 7-8%/năm đối với ô tô tạo ra áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe...).
Hải Dương (ANTĐ)