Trở về nước, Ratan Tata quyết định không bán Tata Motors mà ngược lại, ông dốc tâm phát triển thương hiệu ô tô Ấn Độ này, đưa nó đến tầm cao ít ai dám mơ tới. Chưa hết, Tata Motors đã mua Jaguar Land Rover từ tay Ford đúng lúc Ford đang suy yếu, đứng trước nguy cơ phá sản vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Hãy khoan dùng những cụm từ khơi gợi như “sự trả thù ngọt ngào” hay “ăn miếng trả miếng”, chúng ta hãy đặt quyết định mua JLR của Ratan Tata dưới lăng kính của suy luận logic và tư duy kinh doanh.
Ratan Tata là một người lãnh đạo, một nhà tư bản công nghiệp, một chuyên gia đầu tư vĩ đại mang tầm vóc thế giới. Ông là hình tượng mẫu mực của một nhà lãnh đạo hàng đầu với sự quyết đoán, quyết liệt nhưng có khả năng thấu hiểu và truyền cảm hứng. Trong suốt 21 năm chèo lái Tata Group, ông đã giúp doanh thu hàng năm của toàn tập đoàn tăng gấp 40 lần, lợi nhuận tăng 50 lần*. Ông cũng tạo ra một huyền thoại bất diệt tại tập đoàn Tata Group. Ông khởi đầu hành trình với Tata trong năm 1961 bằng việc … xúc đá vôi vào lò cao tại một lò luyện thép của Tata Steel**. Năm 1991, ông vươn lên vị trí cao nhất của tập đoàn Tata Group và việc đầu tiên Ratan thực hiện là thanh lọc đa số các vị trí lãnh đạo già cỗi và chú trọng ưu ái nhân tài trẻ. Một con người thành công như vậy liệu có để sự xúc phạm ảnh hưởng đến những “quyết định nhiều tỷ đô”? Không!
Khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã đánh gục GM và Chrysler, chỉ một mình Ford không đệ đơn phá sản. Bill Ford đã mời Alan Mulally về làm Chủ tịch kiêm CEO của Ford Motor Company ngay sau khi ông Alan rời ghế Boeing nhằm cứu vãn thương hiệu gia đình vốn đã có hơn 1 thập kỷ lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Mulally, Ford đã làm mọi thứ để có thể sống sót, bao gồm cả cầm cố nhà xưởng, thậm chí là bán quyền sở hữu logo ovan xanh danh tiếng và hàng loạt chính sách cắt giảm chi phí mạnh tay khác. Alan Mulally đã mang đến quý tài chính có lãi đầu tiên của Ford sau 2 năm, dấu hiệu tích cực hứa hẹn Ford sẽ gượng dậy sau khủng hoảng tài chính.
Một trong những mốc son trong sự nghiệp của Mulally là quyết định tập trung phát triển thương hiệu toàn cầu cho Ford và “đập tan” Premier Automotive Group. Lật lại khoảng một thập kỷ trước năm 2008, Ford lúc ấy vô cùng hùng mạnh và không ngần ngại thâu tóm những thương hiệu hạng sang. Ford lập lên một đội hình “toàn sao”: Aston Martin, Lincoln, Jaguar, Land Rover, Mercury, Volvo – chẳng kém “Dải ngân hà 2.0” của Real Madrid! Ford gọi tập hợp những ngôi sao trên là Premier Automotive Group với tham vọng đánh chiếm tất cả phân khúc xe từ bình dân đến hạng sang.
Tuy nhiên, những quyết định sai lầm, sự cồng kềnh phức tạp của bộ máy quản lý và nhất là khủng hoảng kinh tế 2008 đã đánh sập gã khổng lồ Ford. Hãng xe Mỹ phải bán tháo các thương hiệu hạng sang này với giá rẻ mạt như một nỗ lực để cứu chính hãng mẹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Auto Blog trong năm 2013, Alan Mulally khẳng định ông không hề hối tiếc khi bán JLR. Ông tin rằng Aston Martin, Jaguar, Land Rover hay Volvo đều là những “thú chơi đắt tiền”. Thú chơi này đã đốt quá nhiều tiền của Ford và ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch toàn cầu của Ford. “Ford đang tập trung hết mình vào việc phát triển thương hiệu toàn cầu, các hãng xe kể trên không còn nằm trong kết hoạch của chúng tôi”, Mulally chia sẻ.
Người bán gặp người mua thích hợp nên thương vụ Jaguar Land Rover diễn ra chóng vánh. Ford nhận của Tata Motors 2,3 tỷ USD nhưng lại phải “nhả” ra 600 triệu USD để thanh toán lương hưu cho nhân viên JLR. Bên cạnh đó, các thương vụ bán Aston Martin và Volvo cũng đều bất lợi cho Ford. Quãng thời gian từ năm 1989 đến 2008 là giai đoạn Ford “đốt tiền” khủng khiếp nhất trong lịch sử hãng.
Có thể thấy, cả Ford và Tata Motors đều được lợi từ thương vụ này và khả năng những vụ chuyển giao được quyết định bởi “mâu thuẫn cá nhân” có lẽ chỉ là một con số không tròn trĩnh. Lời giải thích hợp lý nhất sẽ là: Ratan Tata tiên đoán thị trường xe sang sẽ sớm hồi phục mạnh mẽ sau khủng hoảng kinh tế và quyết định đặt cược một lần nữa. Lần này, ông đã thắng. Thực tế hiện tại đã chứng minh quyết định của Ratan là sáng suốt. Doanh số toàn cầu của JLR năm 2017 đạt mức kỷ lục với 621.000 xe, tăng 7% so với năm 2016. Về phần Ford, nhờ rũ bỏ toàn bộ những công ty không sinh lời và thực thi hàng loạt chính sách khắt khe, họ đã dần lấy lại vị thế của một ông lớn trong ngành công nghiệp xe hơi.
*: theo bài 40 Years Ago ... and Now: Ratan Tata increased dare quotient of Tata group, đăng trên Business Standard ngày 21/01/2015
**: theo bài Man of the year? It's Ratan Tata, đăng trên The Times of India ngày 30/12/2007
Jaguar Land Rover của ngày hôm nay
Có lẽ việc mở rộng dải sản phẩm Range Rover là một trong những quyết định đúng đắn nhất của Land Rover trong thời kỳ hậu Ford. Bên cạnh dòng Range Rover “thùng to” và Range Rover Sport, dải sản phẩm mang định hướng sang trọng của Land Rover được mở rộng thêm với Evoque – dòng xe mới đầu tiên dưới thời Tata Motors. Đại diện nhỏ nhất của gia đình Range Rover mang đến doanh số hơn 100.000 xe mỗi năm, góp phần thúc đẩy cả tập đoàn phát triển một cách ấn tượng.
Có một điều không phải ai cũng biết: nền tảng khung gầm và động cơ là hai sợi dây vô hình gắn kết JLR và Ford đến tận ngày hôm nay - 10 năm sau khi Ford bán JLR. Bản thân chiếc Evoque, sản phẩm mới đầu tiên dưới triều đại Tata vẫn mang sự ảnh hưởng của Ford, từ khung gầm cho tới động cơ. Hãy cùng phân tích xem tại thời điểm hiện tại, Ford vẫn đang để lại những di sản gì cho Jaguar – Land Rover của Tata.
Hiện nay, Jaguar Land Rover có hai nền tảng khung gầm chính: một loại vẫn mang âm hưởng của Ford và một loại được thiết kế bởi chính kỹ sư JLR. Loại đầu tiên, thường được biết đến với tên gọi D8, có nguồn gốc từ nền tảng EUCD của Ford. Hiện tại, những chiếc Land Rover Discovery Sport và Range Rover Evoque phiên bản 2018 mới nhất vẫn đang sử dụng khung gầm D8 này. Theo JLR, họ đã “thay đổi 90% cấu trúc nền tảng này nhằm khiến nó phù hợp hơn với các sản phẩm của hãng, cũng như giữ nguyên khả năng offroad huyền thoại”. Hãng cũng đang phát triển phiên bản cải tiến của nền tảng D8 để áp dụng vào những mẫu xe sau này (nhiều nguồn tin cho rằng tên mã của nền tảng này sẽ là D10). Như vậy, liệu đây có phải là “khung gầm Ford” hay không, có lẽ bạn đọc đã có câu trả lời cho riêng mình.
Loại thứ hai tân tiến hơn với cấu trúc đa phần bằng nhôm và được phát triển độc lập bởi các kỹ sư Jaguar Land Rover. JLR gọi nền tảng này là PLA – Premium Lightweight Architecture. PLA hiện có 2 phiên bản: D7u xuất hiện trên các mẫu Range Rover “thùng to”, Range Rover Sport, Discovery phiên bản mới nhất và D7a – nền tảng của chiếc Velar và một số mẫu xe Jaguar: XE, XF và F-Pace. Những chiếc xe lắp ráp trên nền tảng PLA có khung xe trần chứa hàm lượng hợp kim nhôm > 80% và đây là yếu tố chính khiến dòng Range Rover “thùng to” giảm tới 420 kg trọng lượng (với cấu hình nhẹ nhất). Có thể hiểu nôm na như thế này: các dòng sản phẩm đắt tiền của Jaguar Land Rover sẽ sở hữu nền tảng PLA, còn những sản phẩm có định hướng phân khúc thấp hơn vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng D8, hoặc một biến thể hiện đại hơn của D8 là D10.
Về phần động cơ, Jaguar Land Rover cũng đang rất quyết tâm thay thế những động cơ do Ford thiết kế. Họ thể hiện quyết tâm đó bằng việc đầu tư 500 triệu Bảng Anh lập nên trung tâm nghiên cứu và sản xuất động cơ của JLR đặt tại Wolverhampton và thành quả đầu tiên của trung tâm rộng 100.000 mét vuông này là dòng động cơ Ingenium 2.0 hoàn toàn mới.
“Dòng động cơ Ingenium đã được thử nghiệm thực tế với quãng đường hơn 3 triệu km, chạy dyno test 72.000 giờ, tương đương với 8 năm sử dụng ở cường độ cao nhất, khắc nghiệt nhất”, giáo sư Wolfgang Ziebart, Giám đốc kỹ thuật Jaguar Land Rover chia sẻ. Theo ông, dòng động cơ Ingenium được tạo ra để chinh phục những khách hàng khắt khe nhất - những người đòi hỏi động cơ sạch hơn, mạnh mẽ hơn nhưng không đánh mất khả năng off-road trứ danh.
Hiện tại, có 6 phiên bản động cơ Ingenium, bao gồm 3 động cơ Diesel, 2 động cơ xăng. Tất cả đều có dung tích 2.0 lít và có công suất dao động từ 150 mã lực, 380 Nm đến 290 mã lực, 400 Nm. Tại Việt Nam, mọi chiếc Discovery Sport và Evoque đều sở hữu động cơ Ingenium chạy xăng 2.0L, công suất tối đa 240 mã lực, lực mô-men xoắn cực đại 340 Nm.
So với dòng động cơ cũ, dòng Ingenium có nhiều ưu điểm vượt trội. Các phiên bản xăng có trọng lượng nhẹ hơn tới 80 kg và các phiên bản dầu nhẹ hơn từ 20 đến 30 kg. Công nghệ tăng áp twin-scroll được áp dụng, giúp hệ thống tăng áp tận dụng năng lượng từ luồng khí thải tốt hơn và giúp động cơ phản hồi tốt hơn với từng cử chỉ chân ga của người lái. Chỉ số ma sát giữa xy lanh và pít tông cũng giảm 17%, giúp giảm nhiệt độ sản sinh do ma sát, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm tiếng ồn động cơ. Một cải tiến quan trọng khác là hệ thống van nạp nay được kết hợp điều khiển bằng điện và bằng cơ học, giúp điều khiển dòng khí vào buồng đốt hiệu quả hơn. Cổ góp khí thải cũng được tích hợp vào nắp quy lát nhằm giúp động cơ dễ đạt nhiệt độ hoạt động tối ưu hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Động cơ Ingenium được phát triển từ con số 0 và chúng không liên quan đến những khối V6 3.0 và V8 5.0 siêu nạp được lắp trên các mẫu xe cao cấp của Jaguar Land Rover. Những cỗ V6 và V8 này là động cơ có gốc gác Ford nhưng điều ấy chẳng quá quan trọng khi chúng vẫn mang lại hiệu năng ấn tượng và sự khác biệt. Nhiều người tin rằng nếu JLR chuyển sang dùng động cơ V8 4.4L tăng áp kép của BMW thì đó là lúc JLR “mất chất”. Thực tế là có rất nhiều người chọn xe Jaguar hay Land Rover chỉ vì những khối động cơ siêu nạp này.
Điện hóa, trí thông minh nhân tạo và hơn thế nữa
Dòng động cơ Ingenium được tạo ra không chỉ với mục đích cung cấp những cỗ máy 2.0 mạnh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn mà nó còn được tạo ra để phục vụ quá trình điện hóa của Jaguar Land Rover. Các dòng động cơ V6 3.0 và V8 5.0 của JLR được phát triển trên nền tảng cũ nên nếu muốn bổ sung mô tơ điện vào các dòng động cơ này sẽ vô cùng tốn kém. Hơn nữa, xu thế chung của toàn ngành là kết hợp động cơ điện và động cơ đốt trong cỡ nhỏ để tối ưu khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành sản xuất và giảm trọng lượng xe.
Mới đây, Land Rover đã trình làng 2 chiếc xe hybrid cắm sạc đầu tiên của họ: Range Rover PHEV 2019 và Range Rover Sport PHEV 2019. Cả hai đều sở hữu kết dẫn hệ dẫn động giống nhau: động cơ Ingenium 4 xy-lanh 2.0 lít ở đầu xe + mô tơ điện đặt phía sau cho tổng công suất 398 mã lực. Chiếc Range Rover PHEV tăng tốc lên 100 km/h trong dưới 7 giây và có thể chạy 50 km chỉ với mô tơ điện. Có thể thấy những thông số này không quá ấn tượng khi so với những chiếc xe hoàn toàn chạy điện nhưng hai chiếc Range Rover này cũng đã cho thấy JLR đang đi đúng hướng. Nhiều nguồn tin cũng khẳng định rằng Range Rover Evoque thế hệ tiếp theo cũng có tùy chọn động cơ hybrid.
Bước đi tiếp theo của JLR là những chiếc xe hoạt động hoàn toàn bằng điện năng. Đó là Jaguar I-Pace và Land Rover Road Rover. Họ cũng rất khôn khéo khi để Jaguar “thử lửa” ở phân khúc xe thể thao còn Road Rover sẽ cạnh tranh với những chiếc sedan sang trọng như S-Class hay 7 Series. Jaguar I-Pace dự kiến sẽ lên kệ từ giữa năm nay và Road Rover sẽ trình làng trong năm 2019. Cuộc đua điện hóa giữa các hãng xe chưa bao giờ lại sôi động đến thế.
Ngoài làn sóng điện hóa, Jaguar còn nghiên cứu nhiều công nghệ tương lai khác nữa. Họ chuẩn bị mở Trung tâm Nguyên cứu và Phát triển tại Shannon, Ireland. Đây là trung tâm nghiên cứu đầu tiên của JLR tại châu Âu và các kỹ sư ở đây sẽ tập trung phát triển công nghệ xe tự hành. Trong khi đó, các kỹ sư JLR tại Mỹ cũng đang nghiên cứu các công nghệ mang đậm chất tương lai như công nghệ nhìn xuyên thấu các trụ xe và công nghệ biến toàn bộ kính lái thành một màn hình Head-up Display khổng lồ. Sản phẩm của hiện tại và những công nghệ tương lai đã khẳng định với thế giới rằng Jaguar Land Rover đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguồn: Jaguarlandrover.com, Businessinsider.com, Autoblog.com, Telegraph.co.uk, Business-standard.com
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/jaguar-va-land-rover-qua-khu-hien-tai-tuong-lai-phan-cuoi.html